Công đoàn Sơn La tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động sau sáp nhập
Sơn La - Sau sắp xếp tinh gọn bộ máy, Công đoàn Sơn La tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở và người lao động.
Sau sắp xếp tinh gọn bộ máy, Công đoàn Sơn La tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở và người lao động. Ảnh: Nguyễn Trường
Thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy theo chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Tỉnh ủy Sơn La, đến nay, LĐLĐ tỉnh Sơn La đã giải thể tổ chức và kết thúc hoạt động của ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra của 14 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
LĐLĐ tỉnh cũng đã giải thể tổ chức, chấm dứt hoạt động đối với 1.041 CĐCS trong các cơ quan hành chính Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp hưởng 100% lương từ ngân sách Nhà nước và CĐCS trong các cơ quan, đơn vị cấp huyện chấm dứt hoạt động với 37.268 đoàn viên.
Đối với các tổ chức CĐCS, CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn trong các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, doanh nghiệp, hợp tác xã, nghiệp đoàn không thuộc đối tượng kết thúc hoạt động (gồm 184 tổ chức công đoàn với 12.486 đoàn viên) đã được chuyển về LĐLĐ tỉnh để quản lý, chỉ đạo hoạt động.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sơn La cho biết, việc sắp xếp lại bộ máy không đơn thuần là giảm số lượng, mà quan trọng hơn là nâng cao chất lượng và hiệu lực. Các ban chuyên môn sau sáp nhập có cơ cấu gọn nhẹ hơn nhưng vẫn bảo đảm chức năng, nhiệm vụ, giảm chồng chéo, tăng tính phối hợp liên thông.
Tổ chức lại công đoàn theo khối cũng tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai nhiệm vụ, phù hợp với thực tiễn tổ chức bộ máy hành chính của tỉnh sau sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Nguồn lực tiết kiệm được từ tinh gọn bộ máy đang được tái đầu tư cho các hoạt động hướng về cơ sở: hỗ trợ đoàn viên khó khăn, nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể, tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, chăm lo an sinh cho người lao động.
Đồng thời, việc phân công lại cán bộ cũng được thực hiện linh hoạt. Việc điều động, bổ nhiệm hợp lý theo năng lực, sở trường. Cùng với đó, việc xét nâng lương, giải quyết nghỉ hưu trước tuổi đúng chính sách, tạo sự đồng thuận trong đội ngũ.
Công tác số hóa, lưu trữ dữ liệu phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy cũng được LĐLĐ tỉnh triển khai đồng bộ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong hệ thống chính trị.
Có thể thấy, quá trình tinh gọn bộ máy công đoàn ở Sơn La là bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn theo hướng “hiện đại, hiệu quả, vì đoàn viên”.
"Việc tinh gọn bộ máy không làm giảm vai trò của tổ chức Công đoàn, mà ngược lại, giúp tổ chức Công đoàn hoạt động sát thực tế hơn, tập trung đúng chức năng cốt lõi là chăm lo, bảo vệ quyền lợi NLĐ trong tình hình mới" - đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sơn La khẳng định.
Theo đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sơn La, sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở và người lao động. Đồng thời, phát huy ngày càng tốt hơn vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động.
Qua đó, góp phần giải quyết nhiều vấn đề thiết thực và các vấn đề phức tạp phát sinh trong công nhân lao động, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là địa bàn các khu, cụm công nghiệp, khu nhà trọ có đông công nhân lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-son-la-tiep-tuc-doi-moi-phuong-thuc-hoat-dong-sau-sap-nhap-1534422.ldo
NGUYỄN TRƯỜNG (BÁO LAO ĐỘNG)