Nữ công nhân chung xóm trọ với chị Lê Thị Toàn tại Khu Công nghiệp Phố Nối. Ước mơ được thuê nhà xã hội là khát vọng chung của nhiều đoàn viên, người lao động. Ảnh: Quỳnh Chi
Mong Luật sớm đi vào đời sống
Anh Hoàng Quang Bình hiện là công nhân Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên).
Anh Bình sinh năm 1992, quê ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Anh xuống Khu công nghiệp Phố Nối làm việc đã 7 năm nay. 4 năm đầu còn độc thân, anh Bình thường thuê trọ ở chung với bạn đồng hương hoặc đồng nghiệp làm cùng công ty. 3 năm nay, anh Bình đã lập gia đình với vợ quê ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
“Cưới 3 năm rồi nhưng nghĩ cảnh thuê trọ chật chội, chúng tôi lần khần chưa dám sinh con. Chúng tôi ước mơ được thuê nhà ở xã hội để được ở rộng rãi hơn, có thêm 1 phòng để nếu sinh con thì người thân xuống chăm sóc còn có chỗ ở. Với điều kiện như hiện nay, chúng tôi xác định nếu vợ tôi sinh con thì về quê rồi nghỉ làm luôn chứ không còn cách nào khác”, anh Bình chia sẻ.
Cùng xóm trọ với anh Bình, gia đình chị Lê Thị Toàn (sinh năm 1988) từ huyện Mộc Châu (Sơn La) cùng xuống làm công nhân tại Khu công nghiệp Phố Nối đã 4 năm nay. Trong nhà có 4 nhân khẩu thì 3 người đi làm công nhân, gồm chị Toàn, chồng chị và con trai lớn. Riêng con út đang theo học lớp 9.
Hiện cả nhà chị Toàn chỉ thuê 1 phòng trọ rộng 18m2, điều kiện ăn ở rất chật chội, bí bách.
“Tôi kê 1 chiếc giường, 1 chiếc nệm sát nhau. 2 con trai ngủ trên giường, bố mẹ nằm nệm dưới đất. Mùa hè nóng quá thì tôi bỏ nệm, chỉ trải chiếu nằm. Giá phòng hiện thuê 2 triệu đồng/tháng. Tôi không dám thuê phòng có lắp điều hòa vì giá thuê cao hơn 200.000 đồng/tháng, chưa kể tiền điện những tháng hè có thể lên tới cả triệu đồng. Số tiền ấy gia đình tôi ăn được hàng chục ngày”, chị Toàn nói.
Trao đổi với phóng viên, chị Toàn cũng mơ ước được thuê nhà ở xã hội với giá hợp lý để cải thiện điều kiện sống, 3 người đi làm cũng đảm bảo sức khỏe sau những giờ làm việc vất vả trong nhà máy.
"Tôi được cán bộ công đoàn tuyên truyền về Luật Công đoàn 2024, chỉ mong Luật sớm đi vào đời sống, quyền lợi của đoàn viên, công nhân lao động được tăng lên", chị Toàn bày tỏ.
Tăng quyền lợi
Điều 21 Luật Công đoàn 2024 quy định về các quyền của đoàn viên Công đoàn gồm có 12 khoản, tăng 5 khoản so với Luật Công đoàn 2012.
Những quyền được quy định rõ tại Điều 21 gồm: yêu cầu Công đoàn đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng khi bị xâm phạm; đề xuất với Công đoàn kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã về việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật đối với người lao động; được thông tin, thảo luận, đề xuất và biểu quyết công việc của Công đoàn; được Công đoàn hỗ trợ pháp lý miễn phí pháp luật về Công đoàn, lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp….
Đoàn viên được được thăm hỏi, giúp đỡ khi ốm đau, thai sản, khó khăn, hoạn nạn và thụ hưởng các hoạt động chăm lo, phúc lợi khác do Công đoàn thực hiện; được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ tìm việc làm, học nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp.
Các nội dung mới được đoàn viên đặc biệt quan tâm như được thụ hưởng chính sách thuê nhà ở xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; được tuyên dương, khen thưởng khi có thành tích trong lao động, sản xuất và hoạt động Công đoàn…
https://laodong.vn/cong-doan/doan-vien-cong-doan-se-co-them-nhieu-quyen-loi-1508076.ldo