GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - chủ trì hội nghị. Ảnh: Bảo Hân
GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam - chủ trì hội nghị.
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam - cho rằng, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, trong đó có tổ chức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là một quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên gần dân, sát dân hơn.
Theo đó, nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Nội dung này đã được đề cập trong Cương lĩnh chính trị của Đảng trước đây, bây giờ được đưa vào trong Hiến pháp là hoàn toàn hợp lý.
Theo ông Nguyễn Túc, các quy định về việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; cũng như đề cập, nhấn mạnh đến công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, được thể hiện rõ nét trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 là việc làm rất cần thiết, phù hợp với bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng đã nêu: MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt chính trị để nhân dân thực hiện quyền làm chủ. Vì vậy, vai trò và chức năng của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên phải được làm nổi bật trong các quy định của Hiến pháp. Trong đó, nhấn mạnh và cụ thể hoá vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Bảo Hân
Bày tỏ quan điểm nhất trí với những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, ông Nguyễn Viết Chức - Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả, việc sửa đổi các quy định của Hiến pháp năm 2013 là rất kịp thời và cần thiết.
Theo ông Nguyễn Viết Chức, việc lập hiến, lập pháp còn chứa đựng nội hàm văn hóa. Việc sửa Hiến pháp này cũng phải thể hiện điều đó thông qua việc lấy ý kiến những người có kinh nghiệm làm hiến pháp. Bởi vậy, ông Chức kiến nghị Quốc hội khóa XVI ngay sau khi được bầu sẽ tiếp tục tiến hành sửa đổi toàn diện Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu đổi mới của đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam - khẳng định, hội nghị đã diễn ra trong không khí sôi nổi, với nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết, chất lượng, trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng vào từng nội dung quy định những vấn đề cụ thể của Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Nhấn mạnh Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng quy định về những vấn đề lớn, cơ bản, có tầm chiến lược lâu dài của đất nước, trên cơ sở những ý kiến đóng góp tại hội nghị, GS.TS Trần Ngọc Đường mong muốn những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền hai cấp.
https://laodong.vn/cong-doan/xay-dung-mat-tran-to-quoc-viet-nam-va-cac-to-chuc-thanh-vien-gan-dan-sat-dan-hon-1506684.ldo