Trang chủCông nhân 360Đời sống Công nhân
Đời sống Công nhân
Cập nhật lúc 09:43 13/03/2023 (GMT+7)
Chi tiêu hợp lý khi bị mất việc, thu nhập giảm

Mất việc hoặc thu nhập giảm sút không phải chuyện hiếm, ai cũng có thể gặp phải. Đứng trước tình cảnh đó, người lao động cần phải cân đối lại chi tiêu hợp lý để tránh phải đi vay mượn, nợ nần.

Chị Nguyễn Thị Hoài (24 tuổi) sống tại quận Cầu Giấy, Hà Nội do cảm thấy không phù hợp với công việc nên đã quyết định xin nghỉ.

Mới lên Hà Nội vài tháng, lương chưa ổn định, không có khoản dự phòng khiến cô gái trẻ phải thay đổi lại cách chi tiêu của mình, thắt lưng buộc bụng hơn.

Chị Hoài quyết định ở ghép cùng bạn bè và nấu ăn ở nhà mỗi ngày để tiết kiệm chi phí khi mất việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Chị Hoài quyết định ở ghép cùng bạn bè và nấu ăn ở nhà mỗi ngày để tiết kiệm chi phí khi mất việc. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chị Hoài lựa chọn ở ghép cùng với hai người bạn khác để đỡ tiền phòng trọ. Việc này giúp chị tiết kiệm được gần 1 triệu đồng mỗi tháng.

Nấu ăn ở nhà bắt đầu trở thành quy định phải thực hiện mỗi ngày. Không những thế, nhu cầu mua sắm quần áo cũng được điều chỉnh lại.

Thay vì mua đồ mới mỗi tuần, chị Hoài tận dụng mặc lại các bộ quần áo cũ nhưng còn mới. Thường xuyên canh giờ vàng để mua đồ giảm giá. Hạn chế đi chơi cùng bạn bè, tần suất cũng giảm chỉ còn 1 lần/tuần thay vì 3 lần như trước.

Đặc biệt, chị Hoài đã bán chiếc xe máy cũ và đổi sang sử dụng xe đạp điện.

Chị Hoài cho biết, di chuyển tại thủ đô không cần nhanh nên cũng không nhất thiết phải dùng xe máy. Trong khi mỗi lần sạc đầy bình điện chỉ tốn chưa đến 10.000 đồng đã giúp chị di chuyển được vài ngày.

Chị Nguyễn Thị Cúc (22 tuổi) - công nhân may tại Hà Nam do ít đơn hàng khiến thu nhập giảm nên đã tính toán lại việc chi tiêu sinh hoạt hàng ngày.

Thay vì mỗi trưa ra ngoài ăn, chị quyết định mang cơm từ nhà đi. Sáng ra chị Cúc chịu khó dậy sớm hơn để chuẩn bị cho bữa sáng và bữa trưa.

Với thịt heo, trước đây vẫn chọn chỗ thịt ngon để mua thì nay chọn chỗ ít người mua như gần má, nách hoặc dưới bụng. Những chỗ này thịt không thơm, có nhiều mỡ nên giá rẻ hơn so với thịt vai, mông hoặc ba chỉ.

Đợt dịch COVID-19, thu nhập của cả hai vợ chồng chị Hoàng Thanh Tuyền (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đều bị ảnh hưởng.

Cụ thể, chồng làm quản lý nhà hàng nên được nghỉ không lương 1 tháng còn chị Tuyền thì bị cắt giảm 30% thu nhập do spa ít khách. Hai anh chị đã bàn bạc, đưa ra các quy định tất yếu để ổn định cuộc sống cho cả gia đình.

Mặc dù rất thích đi du lịch nhưng gia đình chị Tuyền đã quyết định tạm ngừng để hạn chế chi tiêu (Ảnh NVCC)
Mặc dù rất thích đi du lịch nhưng gia đình chị Tuyền đã quyết định tạm ngừng để hạn chế chi tiêu. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đó là hạn chế tối đa việc mua đồ ăn sẵn từ bên ngoài. Những món ăn vặt như trà sữa, ốc luộc, gà rán, nem nướng cũng được cắt bớt mặc dù các con thường xuyên đòi hỏi. Gia đình chị rất thích đi du lịch nhưng đã phải tạm ngừng vừa để phòng dịch vừa để tiết kiệm chi tiêu.

Việc mua sắm quần áo không còn trở nên quen thuộc như trước. Chị Tuyền đã lựa chọn những thương hiệu bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp thay vì chọn một số thương hiệu lớn.

Bên cạnh đó, chị cũng một shop online nhỏ chuyên bán đồ trẻ em để cải thiện thu nhập.

Chị Tuyền chia sẻ: “Thu nhập thấp thì tôi tiêu ít đi nhưng đừng khiến bản thân kham khổ. Quần áo, giày dép không cần sắm thường xuyên nhưng sức khỏe vẫn phải ưu tiên hàng đầu. Quan trọng hơn cả là tinh thần mình luôn lạc quan, không được gục ngã hay nản lòng”.

https://laodong.vn/ban-doc/chi-tieu-hop-ly-khi-bi-mat-viec-thu-nhap-giam-1156721.ldo

MẠNH CƯỜNG (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: