Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo, dụ dỗ sinh viên đi làm thêm
Đánh vào tâm lý muốn tìm “việc nhẹ, lương cao” và chưa nhiều trải nghiệm cuộc sống, nhiều sinh viên trở thành “miếng mồi béo bở” của các đối tượng lừa đảo.
Trong số các chiêu trò lừa đảo, số người bị mắc bẫy nạp tiền qua mạng là rất cao. Mặc dù rất nhiều phương tiện truyền thông đã cảnh báo, song số người bị lừa, đặc biệt là sinh viên vẫn không có dấu hiệu dừng lại.
Chị N.T.N - sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) kể lại chuyện bị lừa đợt năm nhất đại học.
Năm nhất, chị N có tìm việc trên hội nhóm Facebook và có để lại bình luận. Sau đó, một người nhắn tin cho chị N muốn tuyển cộng tác viên với mức lương rất hời.
Nghĩ vừa được làm online, lương lại cao nên chị N liền đồng ý.
Thời gian đầu, nhiệm vụ của chị N là like và bình luận vào video quảng cáo sản phẩm theo yêu cầu; sau 3 lần thực hiện thì sẽ được nhận thù lao. Tiếp đến, nhóm lừa đảo bắt đầu yêu cầu chị N chèn thêm các lệnh đặt hàng.
Sau khi khách hàng chuyển khoản, bên lừa đảo yêu cầu chị N đăng ký một tài khoản qua website của họ, lấy lý do đối tác giải ngân qua đó. Bước tiếp theo là yêu cầu liên kết ngân hàng để rút tiền.
“Thời gian đầu, các đối tượng sẽ để tôi rút được tiền về tài khoản ngân hàng thành công. Sau đó, các đối tượng rút sạch tiền từ tài khoản ngân hàng của tôi do có liên kết với website từ trước” - chị N nhớ lại.
Lần đó, chị N bị lừa khoảng 6 triệu đồng.
"Đó có thể chưa phải là một số tiền quá lớn, nhưng đối với tôi, số tiền này là chi phí sinh hoạt 2 tháng trời" - chị N nói.
Ngoài lừa đảo qua mạng, nhiều bạn trẻ cũng vô tình rơi vào hệ thống đa cấp vô cùng tinh vi. Trường hợp của chị H.T.L.H (22 tuổi, sống tại TP.HCM) là một ví dụ.
Phản ánh đến Báo Lao Động, chị H cho hay, biết tới công việc qua một website, chị H đã nộp CV ứng tuyển qua email. Trong chưa tới nửa ngày, chị H đã nhận được lời mời phỏng vấn ở một địa chỉ khác gần đó mà không phải địa chỉ thực của công ty ghi trên email.
“Khi tới công ty, người này hẹn tôi training 3 ngày, sau đó sẽ có bài test để đánh giá và quyết định xem tôi có được làm chính thức không” – chị H kể.
Trong suốt 3 ngày, chị H luôn được “kèm cặp” bởi một người tự xưng là hành chính nhân sự, luôn nói những lời hoa mỹ, sáo rỗng về công ty.
“Cuối ngày training thứ 3, họ yêu cầu tôi đóng số tiền 16 triệu đồng để mua bộ sản phẩm của họ để dùng thử rồi đem trải nghiệm đó bán sản phẩm" - chị H nói.
Nhận thấy có điều không ổn, chị H tạm thời từ chối gửi tiền và về nhà tìm hiểu. Sau đó chị lên Facebook tìm kiếm thông tin về công ty thì rất nhiều người cũng bị công ty này lừa đảo giống chị, đặc biệt là các bạn sinh viên.
"Nếu không nhạy bén một chút là tôi mất toi 16 triệu đồng vì các đối tượng này rất khéo ăn nói. Sinh viên là đối tượng dễ lấy lòng tin, dễ thuyết phục. Bởi vậy cũng dễ bị lừa nhất, cần nâng cao cảnh giác" - chị H khuyên.
https://laodong.vn/ban-doc/canh-giac-voi-cac-thu-doan-lua-dao-du-do-sinh-vien-di-lam-them-1148336.ldo
THANH HUYỀN (báo lao động)