Phần lớn lao động nữ đều mong muốn được tăng quyền lợi về trợ cấp thai sản khi sinh con. Ảnh: Minh Hương
Mới đây, trong tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất nâng thời gian nghỉ thai sản lên 7 tháng đối với lao động nữ sinh con thứ 2.
Với đề xuất này, nhiều lao động nữ cho rằng, vẫn chưa đủ thiết thực để họ sinh thêm con.
Chị Nguyễn Quỳnh Dương (29 tuổi) - công nhân may tại Nam Định - cho biết, nếu hiện tại nghỉ thai sản ở nhà nuôi con, với mức trợ cấp hơn 4,2 triệu đồng/tháng, chị rất khó xoay xở.
“Mức lương bình quân đóng bảo hiểm để tính trợ cấp thai sản của tôi khá thấp, chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Nếu sinh thêm con, với mức thu nhập này không đủ để chăm sóc con cái, sau sinh, tôi càng bị áp lực về kinh tế” - chị Dương cho hay.
Chị Quỳnh Dương mong muốn tăng trợ cấp thai sản lên ít nhất 6 triệu đồng/tháng. Ảnh: NVCC
Theo chị Dương, phụ nữ sau khi sinh con thường rất nhạy cảm. Khi nỗi lo về kinh tế luôn đau đáu, càng khiến tâm lý sản phụ thêm nặng nề, thậm chí trầm cảm.
Trung bình chị Dương nhận được trợ cấp thai sản 4,2 triệu đồng/tháng, số tiền này chỉ đủ tiền mua sữa, bỉm, thức ăn hàng ngày cho con. Con bị ốm nặng vào viện, nếu không có tiền tiết kiệm bắt buộc phải vay mượn.
Các chi phí sinh hoạt khác hay những khoản nợ, kế hoạch tương lai của gia đình đều phải dựa vào người chồng khiến chị Dương càng ngại sinh con.
Nữ công nhân mong muốn quyền lợi thai sản được tính bằng 2/3 tháng lương thực tế của người lao động. Nếu không xác định được, nên lấy mốc tối thiểu 6 triệu đồng/tháng làm tiền chi trả trợ cấp thì mới giúp người lao động an tâm chăm sóc con cái.
Chị Nguyễn Thị Thúy (26 tuổi) - công nhân giày da - cho hay, nếu bây giờ nghỉ thai sản, với mức trợ cấp bình quân 5,2 triệu đồng/tháng, gia đình chị sẽ rất chật vật, lo lắng.
Chị Thúy cho biết, chồng chị làm tự do, thu nhập không ổn định. Hiện tại, gia đình vẫn còn khoản nợ xây nhà chưa trả xong, đồng thời phải nuôi một người con nên cũng khá tốn kém.
“Tôi thấy rằng, nuôi một đứa trẻ tốn kém hơn nuôi người lớn. Tiền học phí, tiền ăn, sữa... tất cả đều muốn tốt nhất cho con. Cả nhà phải khắt khe chi tiêu mới đủ kinh tế nuôi một đứa con” - chị Thúy nói.
Nhớ lại lúc sinh bé đầu lòng 4 năm trước, trợ cấp thai sản nữ công nhân này nhận được là 22 triệu đồng/6 tháng. Với mức trợ cấp eo hẹp, chị Thúy càng e ngại việc sinh con.
Chị Thúy nhẩm tính các khoản tiền khi sinh thêm con: chuẩn bị đồ trước sinh 2 triệu đồng; sinh và chăm sóc hai mẹ con sau sinh 3 triệu đồng (nếu đẻ thường có bảo hiểm y tế); sữa, bỉm, thức ăn hàng tháng 3,5 triệu đồng.
"Lúc sinh con đầu lòng, tôi phải vay tiền người thân trước, đợi chồng nhận lương mới trả” - chị Thúy nói.
Một nỗi lo khác được nữ công nhân chia sẻ đó là, người lao động muốn nhận tiền thai sản thì sau khi tiếp tục trở lại làm việc phải nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày.
Theo chị Thúy, 6 tháng nghỉ nuôi con không có thu nhập hỗ trợ càng khiến cuộc sống gia đình thêm khó khăn, chật vật.
"Khi chưa trả nợ xong, thu nhập không ổn định, quyền lợi thai sản còn thấp, tôi sẽ không có ý định sinh thêm. Nếu quyền lợi thai sản được điều chỉnh tăng lên cao hơn hiện tại, tôi mới nghĩ tới việc sinh thêm con" - chị Thúy chia sẻ.
Theo quy định hiện hành, mức hưởng thai sản một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ.
Chị Thúy kiến nghị, tăng trợ cấp thai sản lên 150% mức bình quân tiền lương 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cho phép người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thai sản ngay khi sinh con để an tâm về kinh tế trong suốt thời gian nghỉ chăm con.
https://laodong.vn/cong-doan/lao-dong-nu-mong-muon-tang-quyen-loi-tro-cap-thai-san-1492194.ldo