Mỏi mòn vì không có tương lai
Du, 24 tuổi, đã “nhảy” 5 việc sau 7 năm ở Hà Nội.
Học hết lớp 12, Du lên Hà Nội với mục tiêu học tiếng Nhật để đi Nhật Bản làm việc theo diện du học sinh vừa học vừa làm. Kết thúc khóa học tại một trung tâm đào tạo ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Du không vượt qua được kỳ thi chứng chỉ tối thiểu nên bỏ mơ ước đi Nhật Bản.
Nhờ có bằng lái xe ô tô từ sớm, Du chuyển sang làm lái xe cho một hãng taxi. Sau gần 2 năm, mệt mỏi với công việc, Du xin nghỉ.
Công việc thứ 3 của Du là xin làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng Nhật Bản do có chút ít vốn tiếng đã từng học trước đó. “Lương cứng được 7 triệu đồng/tháng và bao ăn ở. Ngoài ra mỗi tháng em được quản lý quán chia thêm tiền tip (khách cho tiền, cả nhóm cho vào chung một quỹ rồi cuối tháng chia nhau) khoảng 1,5 triệu đồng. Dù không phải thuê nhà, không lo ăn uống nhưng thanh niên độc thân có khi rủ bạn bè đi chơi một bữa hết cả triệu đồng, em cũng không để ra được đồng nào”, Du nói.
Chán công việc ở nhà hàng, Du lại xin làm nhân viên lái xe công nghệ. Tuy nhiên, chỉ sau 3 tháng nhận việc, thanh niên này lại xin nghỉ. Hiện, Du làm nhân viên quản lý xuất – nhập hàng của một kho hoa quả sỉ, chuyên cung cấp hàng cho các cửa hàng kinh doanh hoa quả trên địa bàn Hà Nội.
“Lương cứng của em được 9 triệu đồng/tháng, được bao ăn bữa trưa, không được đóng BHXH nên bố mẹ em lo khi ốm đau sẽ rất tốn kém. Em dự kiến lấy thưởng Tết xong sẽ xin nghỉ, tìm công việc khác”, Du cho hay.
Những lao động trẻ không có tay nghề, mất phương hướng công việc sau nhiều năm ở Hà Nội như Du không phải là hiếm. Chuyện nhảy việc ở nhóm lao động phi chính thức này cũng xảy ra rất thường xuyên, thậm chí chỉ bắt nguồn từ những lý do vô cùng đơn giản. Quan trọng hơn, vì không có ràng buộc gì nên việc nhảy việc đối với họ càng dễ dàng.
Chị Hoàng Thị Nhân, cựu nhân viên thu ngân của một siêu thị tại phường Quang Trung, quận Đống Đa (Hà Nội) cho hay, chị quyết định nghỉ việc khi kết thúc ngày làm việc cuối cùng của tháng 11.2024. “Lương của tôi được 6,5 triệu đồng, không đóng BHXH, không có bất cứ chế độ gì… Mọi người khuyên ở lại lĩnh thưởng Tết xong hãy nghỉ, nhưng năm ngoái tôi được thưởng Tết 1 triệu đồng và 1 gói quà trị giá khoảng 300.000 đồng. Tôi nghĩ chừng ấy không đủ níu mình ở lại…”, chị Nhân nói.
Thông qua đọc thông tin trên mạng xã hội, chị Nhân đã ứng tuyển và được nhận vào làm nhân viên tiếp đón, hướng dẫn học sinh của một trung tâm tiếng Anh tại phường Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội).
Cân nhắc khi "nhảy" việc
Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 3.12, ông Lê Quang Trung – nguyên Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho hay, thay đổi công việc để có công việc phù hợp hơn với khả năng, năng lực và điều kiện của bản thân, gia đình; có thu nhập tốt hơn; môi trường làm việc tốt hơn... là mong muốn của nhiều người lao động nói chung, nhất là lao động tự do nói riêng. Dịp cuối năm là thời điểm mà lao động chuyển việc nhiều, do nhiều nguyên nhân từ người lao động, người sử dụng lao động; sự phát triển và thay đổi của các ngành nghề, các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhu cầu sử dụng lao động nhiều dịp cuối năm và chuẩn bị cho nhu cầu sử dụng lao động của những tháng đầu năm.
Cũng theo ông Trung, do đặc điểm, tính chất công việc của lao động tự do thì việc thay đổi công việc ở thời điểm này lại càng được nhiều người quan tâm, bởi họ muốn có công việc thu nhập cao hơn, công việc phù hợp hơn, làm việc ở môi trường tốt hơn.
“Tuy nhiên, để chuyển việc, người lao động tự do cần quan tâm, đánh giá đến năng lực và khả năng làm việc của bản thân hiện tại và khả năng hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của đòi hỏi của công việc; tìm kiến các thông tin tin cậy, nhu cầu cần tuyển lao động của các nhà tuyển dụng, tốt nhất là thông qua các tổ chức dịch vụ việc làm hoặc từ các nhà tuyển dụng trực tiếp; xem xét kỹ tất cả các điểm được và mất khi chuyển sang công việc mới, công việc mới lương cao, chế độ tốt chưa chắc đã tốt hơn công việc đang làm, kể cả phương án xấu nhất là mất việc; trao đổi trực tiếp chi tiết tất cả các vấn đề liên quan đến công việc mới để cân nhắc, quyết định chuyển việc; tránh những chiêu trò lừa đảo, gian dối bằng nhiều hình thức đối với người lao động”, ông Trung khuyến cáo.