Công nhân mong tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất thấp, tránh tín dụng đen
Nhiều công nhân lao động tại Hải Dương bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng với lãi suất thấp để hạn chế tín dụng đen xâm nhập khu nhà trọ.
Giữa lúc tín dụng đen “bao vây”, công nhân, người lao động tại Hải Dương mong muốn được tiếp cận nguồn vay tín dụng lãi suất thấp để hỗ trợ thiết thực cho đời sống của họ.
Anh Lê Như Quý (công ty cổ phần Vifon - chi nhánh Hải Dương) - bày tỏ: "Chúng tôi mong có các giải pháp để công nhân lao động được tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, ngân hàng với lãi suất thấp, phù hợp với thu nhập của công nhân. Việc này sẽ giúp chúng tôi giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế, vay tiêu dùng,... nhằm hạn chế tình trạng tín dụng đen trong khu vực đông công nhân lao động".
Cũng như anh Quý, chị Đinh Thanh Vân (sinh sống thị khu trọ phường Tứ Minh, TP Hải Dương) - cho biết: "Với đồng lương ít ỏi của công nhân chúng tôi như hiện tại, đôi lúc không tránh khỏi việc thiếu chi phí trang trải cuộc sống hay mua những thiết bị đồ dùng cần thiết cũng không có đủ tiền để mua. Chính vì vậy, việc chúng tôi được tiếp xúc với nguồn tín dụng có lãi suất thấp sẽ bớt được phần nào nỗi lo về kinh tế những khi cần đến".
Theo đó, từ đầu năm 2023 đến ngày 15.3.2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm ổn định lãi suất thị trường. Ngày 15.3.2023 và 31.3.2023, NHNN 2 lần điều chỉnh giảm một số mức lãi suất điều hành để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp, có điều kiện giảm lãi suất cho vay; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực ưu tiên hiện là 4,5%/năm.
Nhằm giúp công nhân lao động có được nguồn vay tốt, bà Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc NHNN Việt Nam - chi nhánh tỉnh Hải Dương - chia sẻ: "Hiện nay, Ngân Hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Hải Dương đang thực hiện 9 chương trình tín dụng ưu đãi, trong đó có: cho vay giải quyết việc làm, hộ nghèo; xuất khẩu lao động; nước sạch vệ sinh môi trường; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn; hộ nghèo về nhà ở; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo".
Đặc biệt, thực hiện Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20.10.2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, NHCSXH là một trong số các tổ chức tín dụng được chỉ định và đang triển khai cho vay ưu đãi hỗ trợ nhà ở xã hội.
"Trong đó, đối tượng được vay ưu đãi để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở gồm có người thu nhập thấp, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp nếu đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP" - bà Vân nói.
Theo bà Vân, toàn tỉnh Hải Dương hiện có 100 đầu mối các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Với 568 điểm giao dịch trải rộng từ thành thị đến nông thôn cung cấp sản phẩm tín dụng, ngân hàng đa dạng cho người dân, doanh nghiệp. Đến 31.3.2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 123.933 tỉ đồng.
"Đồng thời, đề nghị các đoàn viên, công nhân lao động cần chủ động nghiên cứu các thông tin liên quan trên các Website của các ngân hàng, công ty tài chính hay các phương tiện thông tin đại chúng. Khi có nhu cầu vay vốn cần liên hệ với các tổ chức tín dụng, công ty tài chính trên địa bàn để được hướng dẫn cụ thể. Ngành Ngân hàng luôn mong được phục vụ và sẵn sàng đáp ứng nguồn vốn cấp tín dụng cho khách hàng, đoàn viên, người lao động đủ điều kiện theo quy định" - bà Vân - cho biết.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-mong-tiep-can-nguon-tin-dung-lai-suat-thap-tranh-tin-dung-den-1190788.ldo
HÀ VI (báo lao động)