Trang chủCông nhân 360
Công nhân 360
Cập nhật lúc 07:12 26/01/2023 (GMT+7)
Ám ảnh ngày Tết, hàng xóm hát hò thâu đêm suốt sáng

Hát karaoke tại gia đình là nhu cầu tinh thần chính đáng của mỗi người. Thế nhưng việc gây ồn ào, mất trật tự từ hát karaoke xuyên trưa hoặc đêm khuya cũng là nguồn cơn gây ra sự hiềm khích, mất tình làng nghĩa xóm...

Hát karaoke là một trong những thú vui tao nhã của rất nhiều gia đình. Nhiều người xem đây là bộ môn giải trí, giúp giảm căng thẳng mỗi ngày. Thế nhưng, thay vì ra quán karaoke quá đắt đỏ thì nhiều người chọn cách hát tại gia, vừa rẻ vừa tiện. Thế nhưng, hát karaoke bất chấp thời gian lại gây rất nhiều phiền toái, ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Dàn âm thanh cất lên cùng với tinh thần ngày Tết vui vẻ khiến họ nhảy nhót tưng bừng hoà theo âm thanh của nhạc. Dù đã đóng cửa kín, những người hàng xóm tỏ ra khó chịu và muốn nghỉ ngơi cũng không yên vì âm thanh nghe rất rõ.

Chia sẻ về vấn đề này, chị Bùi Thuý Hiền (21 tuổi, Hà Nội) bị ám ảnh mỗi lần nghe thấy âm thanh “1, 2, 3 alo alo..." vang lên. Khi ấy, chị Hiền biết ngay là dàn âm thanh đã được khởi động.

Chị Thúy Hiền ngao ngán với những “bản tình ca” của hàng xóm. Ảnh: Thúy Hiền.
Chị Thúy Hiền ngao ngán với những “bản tình ca” của hàng xóm. Ảnh: Thúy Hiền

Mỗi lần nghe thấy tiếng karaoke nhà hàng xóm cất lên, chị Hiền ra ban công đóng chặt cửa như một phản xạ tự nhiên. Bởi chị Hiền biết đến hẹn lại lên, nhà hàng xóm đối diện sẽ tụ tập hát karaoke đến khuya.

“Cứ đến Tết là nhà đối diện nhà tôi tụ tập bạn bè hát karaoke tới 10 giờ, 11 giờ khuya mới chịu tắt” - chị Hiền bức xúc nói.

Những ngày cận Tết, gia đình chị bận tối mặt. Sáng nào chị Hiền cũng phải dậy từ 7 giờ sáng để dọn dẹp nhà cửa, nấu cỗ thắp hương… Nên tối đến, chị chỉ muốn được nghỉ ngơi sớm sau một ngày làm việc mệt mỏi. Thế như hàng xóm nhà chị Hiền không quan tâm tới cảm xúc của những người xung quanh làm chị cảm thấy mệt mỏi.

Chị Hiền ngao ngán nói: “Hàng xóm láng giềng với nhau, tôi rất ngại đề cập tới vấn đề này. Tôi cũng muốn góp ý nhưng sợ hàng xóm nghĩ tôi khó khăn, có mấy ngày Tết cũng phàn nàn”.

Chị Trần Thị Hoá (43 tuổi, Thanh Hoá) cũng phải chịu sự "tra tấn" của những màn karaoke nhà hàng xóm. Đặc biệt là mấy ngày cận Tết, nhà nào làm tiệc tất niên cũng hát hò tưng bừng.

"Vẫn biết hát hò là nhu cầu giải trí của mỗi người, vui thì mới hát, nhưng tôi nghĩ cũng nên có chừng mực. Giờ người ta nghỉ trưa hay khuya thì không nên hát vì làm ảnh hưởng đến hàng xóm. Lâu lâu một lần còn chấp nhận được, chứ tuần nào cũng hát thì ai mà chịu nổi" - chị Hoá bày tỏ.

Chị Hóa mong hàng xóm hát karaoke có giờ giấc hơn. Ảnh: Phương Trang.
Chị Hóa mong hàng xóm hát karaoke có giờ giấc hơn. Ảnh: Phương Trang

Chị Hoá cho biết thêm, hàng xóm không những hát karaoke mà đôi khi chị Hoá còn nghe thấy tiếng cãi vã, đập bát sau những trận say xỉn, hát hò.

"Tôi và chồng đều bị đau đầu và mệt mỏi. Chồng tôi đã sang nhắc nhở một lần nhưng chủ nhà uống say, còn tỏ thái độ ra mặt và nói "nhà tôi, tôi muốn làm gì thì làm". Để tránh xảy ra va chạm, tôi phải kéo chồng về sớm. Các hộ gia đình xung quanh cũng từng phản ánh đến trưởng khu phố, nhưng không ăn thua. Chỉ được một ngày là hôm sau họ lại hát như chưa từng bị nhắc nhở" - chị Hoá than thở.

Năm hết, Tết đến chị Hoá cũng mong muốn làng xóm, láng giềng vui vẻ, hoà đồng nhưng cứ để tình trạng này diễn ra liên tục thì quả là không ổn chút nào.

Chị Hoá chán nản nói: “Tôi không biết ai đã nghĩ ra câu “hát hay không bằng hay hát” để rồi nhiều người mê karaoke cứ lấy đó làm lý do để suốt ngày khoe “giọng hét vàng” của mình. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến những người hàng xóm xung quanh”.

https://laodong.vn/ban-doc/am-anh-ngay-tet-hang-xom-hat-ho-thau-dem-suot-sang-1140706.ldo

PHƯƠNG TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: