Tuyên truyền giáo dục
Cập nhật lúc 03:16 26/09/2022 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả của các nhà văn hóa lao động

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa lao động”.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Nguyễn Đình Khang (bên phải) và Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội nghị. 

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội nghị “Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa lao động” với sự chủ trì, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; đồng chí Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các cung văn hóa, nhà văn hóa lao động trên toàn quốc đã tham dự Hội nghị.

Theo báo cáo của Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn, hiện nay, hệ thống công đoàn có 51 thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có 30 cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh; 04 trung tâm văn hóa lao động, nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp; 17 nhà văn hóa lao động quận, huyện, khu công nghệ cao trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà văn hóa lao động, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức, sắp xếp lại nhà văn hóa lao động; kiểm tra, đánh giá tình hình cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, hoạt động, tài chính của nhà văn hóa lao động; chỉ đạo, hướng dẫn các nhà văn hóa lao động xây dựng phương án tự chủ tài chính.

Thời gian qua, các nhà văn hóa lao động cơ bản đã thực hiện được hoạt động: Phục vụ nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn, nhất là các hoạt động nhân dịp Tháng Công nhân, Tết sum vầy, kỷ niệm Ngày thành lập tổ chức Công đoàn, Đại hội Công đoàn các cấp; tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa, thể thao của công nhân, viên chức, lao động; các câu lạc bộ sở thích, các lớp năng khiếu, kiến thức kỹ năng.

Tuy nhiên, số lượng các nhà văn hóa lao động thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các hoạt động, số lượng công nhân, viên chức, lao động tham gia sinh hoạt tại nhà văn hóa lao động còn thấp; đa số các nhà văn hóa lao động chưa tổ chức được hoạt động quy mô cấp tỉnh và hầu hết các nhà văn hóa lao động chưa thực hiện được nhiệm vụ bồi dưỡng hạt nhân, hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa thể thao cho cơ sở; thậm chí có nhà văn hóa lao động không tự tổ chức được hoạt động, chỉ liên doanh, liên kết, cho thuê.

Về tài chính, còn nhiều nhà văn hóa lao động mới tự chủ một phần chi thường xuyên (nhóm 3); có nhà văn hóa lao động xin giải thể do hoạt động kém hiệu quả hoặc xin sáp nhập, chuyển đổi mục đích sử dung… Nguyên nhân do một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm chỉ đạo; một số nhà văn hóa lao động chưa chủ động tìm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động để phục vụ công nhân, viên chức, lao động, thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn tốt hơn.

Tại hội nghị các đại biểu đã tham luận, cho nhiều ý kiến, bàn về các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của nhà văn hóa lao động, tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy theo vị trí việc làm; phương án tự chủ tài chính; cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ cho các nhà văn hóa lao động; làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên các nhà văn hóa lao động nâng cao hiệu quả sử dụng và hoạt động, để hầu hết các nhà văn hóa lao động đảm bảo tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2) trở lên.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, chăm lo về văn hoá tinh thần là một trong những nhiệm vụ chính của tổ chức Công đoàn. Đồng chí yêu cầu: Cần nâng cao năng lực hoạt động của nhà văn hóa lao động để hệ thống này thực sự là nơi hưởng thụ và sáng tạo các hoạt động văn hóa của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Qua đó, góp phần đưa Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” thấm sâu vào phong trào công nhân và hoạt động công đoàn.

Trên cơ sở những ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Nguyễn Đình Khang đề nghị, cần đánh giá rõ những yếu kém, chưa được hiện nay trong hoạt động của các nhà văn hoá lao động, nhận diện rõ vấn đề, chỉ rõ nguyên nhân để có những giải pháp cụ thể. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phải xây dựng phương án tự chủ, phương án sắp xếp trên cơ sở giao nhiệm vụ là chính…để các nhà văn hoá lao động hoạt động hiệu quả, đáp ứng được mong muốn của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động. 

Đ.L

In
Về đầu
Lượt truy cập: