Việt Nam có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân vào 2031
Việt Nam có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sớm nhất vào năm 2031 và muộn nhất vào năm 2035.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, dự kiến hoàn thành trong 5 năm. Trong đó, nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp năng lượng quốc gia (PVN) lần lượt làm chủ đầu tư hai nhà máy này.
Tại dự thảo lấy ý kiến về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030 (Quy hoạch điện VIII), Bộ Công Thương đề xuất hai kịch bản về cơ cấu nguồn điện. Theo đó, thời gian vận hành (phát điện) các nhà máy điện hạt nhân dự kiến sẽ theo hai phương án.
Ở kịch bản 1, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I (2x1200MW) được đưa vào vận hành giai đoạn 2031-2035, Ninh Thuận II (2x1200MW) vận hành giai đoạn 2036-2040. Cùng với đó, 3 nhà máy LNG chưa xác định chủ đầu tư vận hành sau năm 2030, khí Cá Voi Xanh dự kiến đưa vào bờ giai đoạn 2031-2035, không phát triển mới nguồn LNG, nhập khẩu Trung Quốc tăng thêm 300 MW.
Với kịch bản này, Bộ Công Thương đánh giá do các nguồn điện tua bin khí hỗn hợp vào vận hành ở các năm cuối giai đoạn và nhiều nguồn bị chậm nên để cấp điện cho các năm 2026-2029, cần đẩy sớm đầu tư thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, pin tích năng và nguồn nhiệt điện linh hoạt so với Quy hoạch điện VIII. Quy mô nguồn điện nhập khẩu Lào sẽ tăng từ 4 GW lên 6 GW năm 2030, chủ yếu nằm ở các dự án nhập khẩu về Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Trong giai đoạn 2031-2050, dự báo suất đầu tư các nguồn điện gió, điện mặt trời, pin lưu trữ có xu hướng giảm mạnh, việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo kết hợp pin tích năng kinh tế hơn nên hệ thống điện phụ thuộc rất lớn vào nguồn năng lượng tái tạo. Tỉ trọng điện năng năng lượng tái tạo (gồm cả thủy điện) tăng từ 50% năm 2035 lên 83% năm 2050.
Ở kịch bản 2, hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận vận hành giai đoạn 2031-2035; đồng thời toàn bộ 14 nhà máy LNG vận hành giai đoạn 2026-2030, khí Cá Voi Xanh dự kiến đưa vào bờ giai đoạn 2031-2035, cho phép phát triển mới nguồn LNG từ năm 2030 và nhập khẩu Trung Quốc tương tự kịch bản 1.
Trong trường hợp này, Bộ Công Thương tính toán cần đầu tư thêm 30 GW điện mặt trời, 5,7 GW thủy điện vừa và nhỏ, 6 GW điện gió trên bờ, 12,5 GW nguồn pin tích năng, 2,7 GW nguồn nhiệt điện linh hoạt, 1,4 GW nguồn sinh khối, rác và năng lượng tái tạo khác. Ngoài ra nhập khẩu Trung Quốc tăng 3 GW, quy mô nguồn điện nhập khẩu Lào sẽ tăng từ 4,3 GW lên 6,8 GW năm 2030.
Năm 2035, nhu cầu phụ tải tăng thêm 24 GW so với Quy hoạch điện VIII, đồng thời nguồn tua bin khí hỗn hợp LNG mới tăng thêm 7 GW trong giai đoạn 2031- 2035 tại Bắc Bộ. Nguồn nhiệt điện linh hoạt tăng 3 GW so với Quy hoạch điện VIII.
Năm 2050, ngoài 4.800 MW nguồn điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm 5 GW điện hạt nhân tại Bắc Trung Bộ, 8,4 GW nguồn tua bin khí hỗn hợp - LNG tại Bắc Bộ. Các nguồn điện gió, điện mặt trời và pin lưu trữ tiếp tục tăng cao so với Quy hoạch điện VIII.
Như vậy, với các kịch bản trên, Việt Nam có thể vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên sớm nhất vào năm 2031 và muộn nhất vào năm 2035.
https://laodong.vn/kinh-doanh/viet-nam-co-the-van-hanh-nha-may-dien-hat-nhan-vao-2031-1459323.ldo
THẠCH LAM (BÁO LAO ĐỘNG)