Dự án Vành đai 3 qua huyện Củ Chi (TPHCM). Ảnh: Anh Tú
Theo Quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Củ Chi sẽ cùng với bốn huyện khác phát triển thành các đô thị vệ tinh kiểu mới, đóng vai trò là cửa ngõ kết nối TPHCM với các tỉnh lân cận.
Sau năm 2030, TPHCM sẽ từng bước xây dựng mô hình thành phố đa trung tâm, trong đó huyện Củ Chi cùng với huyện Hóc Môn sẽ trở thành khu đô thị phía Bắc trực thuộc thành phố.
Theo định hướng, Củ Chi sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, khu công nghệ cao, kết hợp với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.
Ngoài ra, khu vực này cũng sẽ tập trung vào phát triển thương mại - dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí, đào tạo, chăm sóc sức khỏe và bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa - cách mạng.
Đến năm 2030, Củ Chi sẽ được TPHCM tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng môi trường sống, hướng đến việc đạt các tiêu chí đô thị loại III, trở thành một phần quan trọng của đô thị phía Bắc TPHCM.
Dự báo đến năm 2030, dân số thường trú tại huyện Củ Chi sẽ dao động từ 600.000 - 900.000 người.
Vị trí sẽ xây Khu đô thị Đại học quốc tế Việt Nam tại huyện Củ Chi. Ảnh: Anh Tú
Theo quy hoạch, huyện Củ Chi sẽ hình thành các khu trung tâm đô thị tại: Trung tâm hành chính huyện Củ Chi (hiện hữu); khu vực giao Quốc lộ 22 và Vành đai 3, kết nối với cao tốc TPHCM - Mộc Bài; phía Nam Vành đai 4, giáp sông Sài Gòn; khu đô thị ven sông Sài Gòn, phía Đông Nam hồ trữ nước quy hoạch.
Về hạ tầng giao thông, Củ Chi sẽ được đầu tư mạnh vào hệ thống kết nối đối ngoại với các tuyến quan trọng như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Quốc lộ 22.
Dự án Vành đai 3 TPHCM qua huyện Củ Chi sẽ hoàn thành 30.6.2026. Ảnh: Anh Tú
Huyện Củ Chi cũng có các tuyến tỉnh lộ trọng yếu như Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 6, Tỉnh lộ 7, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 15 và đường Hà Duy Phiên, tạo sự liên kết chặt chẽ với tỉnh Bình Dương, Long An và Tây Ninh.
TPHCM cũng quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn dài 78,2 km, kéo dài từ ranh Tây Ninh đến nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành với đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ). Tuyến đường này không chỉ tạo trục giao thông mới mà còn mở ra hướng phát triển đô thị, thương mại, du lịch và tạo điểm nhấn cảnh quan sông nước.
Trong tương lai, Củ Chi sẽ có 4 tuyến metro quan trọng: Metro số 2 (Thủ Thiêm - Depot Bình Mỹ, dài 62,2 km), Tuyến 2S (nhánh từ Hóc Môn qua Quốc lộ 22 đến đô thị Tây Bắc Củ Chi); Metro số 8 (Đa Phước - Bình Mỹ, dài 42,8 km); Metro số 11 (tuyến ven sông từ quận Bình Tân đi Củ Chi, dài 48,7 km).
Khu vực Trung tâm hành chính huyện Củ Chi (hiện hữu). Ảnh: Minh Quân
Bên cạnh đó, huyện Củ Chi sẽ được xây dựng cảng du thuyền phục vụ du lịch gắn với các điểm du lịch lịch sử.
Ngoài ra, huyện Củ Chi sẽ có bến xe buýt quy mô 12 ha, cảng thủy nội địa rộng 15 ha và cảng cạn Củ Chi nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng.
Về giáo dục, Củ Chi đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 50 trường mầm non, cùng với 41 trường tiểu học, 23 trường THCS, một trường liên cấp TH - THCS, 7 trường THPT và 9 trường giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Trong lĩnh vực y tế, đến 2030, huyện Củ Chi sẽ có 2 bệnh viện đạt chuẩn bệnh viện đa khoa hạng I và bệnh viện hạng I, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
https://laodong.vn/bat-dong-san/tphcm-phat-trien-huyen-cu-chi-thanh-do-thi-ve-tinh-hien-dai-1460361.ldo