TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu sáp nhập thành siêu đô thị mới vùng Đông Nam Bộ
TPHCM - Hội đồng nhân dân TPHCM tán thành chủ trương hợp nhất TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hình thành siêu đô thị mới của vùng Đông Nam bộ.
Khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: Anh Tú
Sáng 18.4, tại kỳ họp chuyên đề lần thứ 22, HĐND TPHCM khóa X đã chính thức thông qua nghị quyết tán thành chủ trương hợp nhất ba địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM), tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Sau sáp nhập, đơn vị hành chính mới vẫn mang tên TPHCM, trở thành siêu đô thị của vùng Đông Nam Bộ.
Trung tâm chính trị - hành chính của TPHCM sau sáp nhập sẽ đặt tại TPHCM.
Bên cạnh đó, hai trung tâm hành chính phụ sẽ được duy trì tại địa điểm hiện hữu của hai tỉnh còn lại.
UBND TPHCM được giao chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hoàn chỉnh hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt đề án trước ngày 1.5.
Đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết tán thành việc hợp nhất với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Hà Khánh
Sau khi hợp nhất, TPHCM mới sẽ có diện tích 6.772,65 km², dân số toàn đô thị đạt 13.706.632 người, với 168 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 113 phường, 54 xã và 1 đặc khu.
Về nhân sự, TPHCM mới sẽ thực hiện tinh giản 9.732 người hoạt động không chuyên trách ngay trong năm 2025.
Đối với 12.600 cán bộ, công chức cấp xã và huyện dôi dư, lộ trình giải quyết sẽ kéo dài đến năm 2029, với kế hoạch giảm trung bình 2.500 người mỗi năm.
Theo đánh giá, việc sáp nhập sẽ tạo ra một trung tâm kinh tế - đô thị mới có sức cạnh tranh mạnh mẽ, phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, địa lý và cơ sở hạ tầng của ba địa phương.
Vị trí liền kề và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ giữa ba địa phương giúp việc quy hoạch không gian kinh tế, đô thị thuận lợi và hiệu quả hơn.
Quỹ đất mở rộng, tạo điều kiện cho các chiến lược giãn dân, phát triển đô thị vệ tinh và xây dựng các khu đô thị mới hiện đại.
Hạ tầng giao thông được đồng bộ hóa, đặc biệt là hệ thống đường bộ, đường thủy và cảng biển, sẽ tăng cường khả năng liên kết vùng và nâng cao năng lực logistics.
Liên kết cảng biển giữa TPHCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời mở ra khả năng tích hợp cảng của Bình Dương vào chuỗi logistics khu vực.
Về mặt quản lý, việc sáp nhập sẽ không làm gián đoạn hoạt động của bộ máy hành chính mà ngược lại còn tăng tính đồng bộ, hiệu quả nhờ cùng theo đuổi các mục tiêu cải cách hành chính, chuyển đổi số và phát triển khoa học công nghệ.
https://laodong.vn/thoi-su/tphcm-binh-duong-ba-ria-vung-tau-sap-nhap-thanh-sieu-do-thi-moi-vung-dong-nam-bo-1493314.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)