Thời sự
Cập nhật lúc 06:21 19/04/2025 (GMT+7)
Tên gọi dự kiến của 37 đơn vị hành chính cấp xã ở Quảng Trị sau sáp nhập

Quảng Trị - Dự kiến sau sáp nhập, toàn tỉnh còn 37 đơn vị hành chính cấp xã, giảm mạnh so với hiện nay.

Tên gọi dự kiến của 37 đơn vị hành chính cấp xã ở Quảng Trị sau sáp nhập
Sau sáp nhập, dự kiến TP Đông Hà của tỉnh Quảng Trị chỉ còn 2 phường. Ảnh: Hưng Thơ

Ông Ngô Quang Chiến – Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị xác nhận, từ ngày 18.4 đến ngày 20.4, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân về đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đây là bước quan trọng nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình Chính phủ trước ngày 1.5 theo quy định.

Để tổ chức lấy ý kiến người dân, Sở Nội vụ đã gửi đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã về các địa phương.

Hiện nay, Quảng Trị có 10 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 7 huyện, 1 huyện đảo, 1 thành phố, 1 thị xã) với 119 đơn vị cấp xã: 13 phường, 11 thị trấn, 95 xã.

Trong đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp Quảng Trị sẽ còn 37 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 3 phường, 33 xã và 1 đặc khu là Cồn Cỏ. So với hiện tại, toàn tỉnh giảm 82 đơn vị cấp xã, trong đó có nhiều thị trấn, phường được sáp nhập.

TP Đông Hà còn lại 2 phường, gồm phường Đông Hà (sáp nhập phường 1, 3, 4, Đông Giang, Đông Thanh); phường Nam Đông Hà (sáp nhập phường 2, 5, Đông Lễ, Đông Thanh).

Thị xã Quảng Trị trở thành phường Quảng Trị (sáp nhập các phường 1, 2, 3, An Đôn, Hải Lệ).

Huyện Triệu Phong còn lại 5 xã, gồm Triệu Phong 1 (sáp nhập các xã Triệu Thành, Triệu Thượng, thị trấn Ái Tử); Triệu Phong 2 (sáp nhập xã Triệu Ái, Triệu Giang, Triệu Long); Triệu Phong 3 (sáp nhập xã Triệu Độ, Triệu Thuận, Triệu Hòa, Triệu Đại); Triệu Phong 4 (sáp nhập xã Triệu Cơ, Triệu Trung, Triệu Tài); Triệu Phong 5 (sáp nhập xã Triệu Trạch, Triệu Phước, Triệu Tân).

Huyện Hải Lăng còn 5 xã, gồm xã Hải Lăng (sáp nhập xã Hải Trường, thị trấn Diên Sanh, Hải Định); xã Đông Hải Lăng (sáp nhập xã Hải Dương, Hải An, Hải Khê); Tây Hải Lăng (sáp nhập xã Hải Lâm, Hải Thượng, Hải Phú); Nam Hải Lăng (sáp nhập xã Hải Sơn, Hải Phong, Hải Chánh); Trung Hải Lăng (sáp nhập xã Hải Quy, Hải Hưng, Hải Bình).

Huyện Gio Linh còn 4 xã, gồm Tây Gio Linh (sáp nhập xã Hải Thái, Linh Trường, Gio An, Gio Sơn); Đông Gio Linh (sáp nhập xã Gio Mai, Gio Hải, thị trấn Cửa Việt); Gio Linh (sáp nhập xã Gio Quang, Gio Mỹ, Phong Bình, thị trấn Gio Linh); Bắc Gio Linh (sáp nhập xã Trung Hải, Trung Giang, Trung Sơn).

Huyện Vĩnh Linh còn 5 xã, gồm Vĩnh Linh 1 (sáp nhập thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Long, Vĩnh Chấp); Vĩnh Linh 2 (sáp nhập thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Giang, Hiền Thành, Kim Thạch); Vĩnh Linh 3 (sáp nhập Vĩnh Thái, Trung Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Tú); Vĩnh Linh 4 (sáp nhập Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn); Vĩnh Linh 5 (sáp nhập Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê, thị trấn Bến Quan).

Huyện Hướng Hóa còn 7 xã, gồm Hướng Lập (sáp nhập xã Hướng Lập, Hướng Việt); Hướng Phùng (sáp nhập Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh); Khe Sanh (sáp nhập thị trấn Khe Sanh, Tân Hợp, Húc, Hướng Tân); xã Tân Lập (sáp nhập Tân Lập, Tân Liên, Hướng Lộc); Lao Bảo (sáp nhập thị trấn Lao Bảo, Tân Thành, Tân Long); Lìa (sáp nhập Lìa, Thanh, Thuận); A Dơi (sáp nhập A Dơi, Ba Tầng, Xy).

Huyện Đakrông còn 5 xã, gồm La Lay (sáp nhập A Bung, A Ngo); Tà Rụt (sáp nhập A Vao, Húc Nghì, Tà Rụt); Đakrông (sáp nhập Ba Nang, Tà Long, Đakrông); Ba Lòng (sáp nhập Ba Lòng, Triệu Nguyên); Hướng Hiệp (sáp nhập Hướng Hiệp, Mò Ó, thị trấn Krông Klang).

Huyện Cam Lộ còn 2 xã, gồm Cam Lộ (sáp nhập Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, thị trấn Cam Lộ); Cam Đường (sáp nhập Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam An).

Huyện đảo Cồn Cỏ trở thành đặc khu Cồn Cỏ, giữ nguyên tính đặc thù về địa lý và hành chính.

“Sau khi hoàn tất lấy ý kiến người dân, Sở Nội vụ sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị trong ngày 22.4 để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt theo đúng tiến độ” – ông Ngô Quang Chiến thông tin.

https://laodong.vn/thoi-su/ten-goi-du-kien-cua-37-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-o-quang-tri-sau-sap-nhap-1493667.ldo

HƯNG THƠ (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: