Thủ tướng trăn trở khi nhiều dự án dở dang lãng phí
Chia sẻ trăn trở khi chứng kiến nhiều dự án dở dang kéo dài ở các địa phương gây lãng phí, Thủ tướng yêu cầu nhìn thẳng vào sự thật, đề xuất giải pháp.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ngày 25.2, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí - chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo, theo TTXVN.
Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, công tác phòng, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng sức mạnh về nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển, làm giàu cho đất nước, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới.
Thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế.
Trong đó, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương trước đây.
Những công việc đã và đang làm vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu góp phần chống lãng phí.
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: TTXVN
Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều việc phải làm do lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng, hình thức khác nhau.
Việc này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động.
Những hạn chế trên là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế - xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống lãng phí để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo rà soát lại các công việc đã triển khai, các kết quả đã đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới; nhất là việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài để sớm giải quyết dứt điểm, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.
Đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất dự kiến nội dung hoạt động năm 2025 của Bộ, ngành mình phụ trách, các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện và trao đổi, thảo luận phương thức để tiếp tục phát huy vai trò của các Ban Chỉ đạo đã thành lập song hành với hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.
Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ trăn trở khi chứng kiến nhiều dự án dở dang kéo dài ở nhiều địa phương, gây nhiều hệ lụy.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu nhìn thẳng vào sự thật, tập trung thảo luận đánh giá đúng tình hình, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống lãng phí tại tất cả các ngành, lĩnh vực, từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có việc sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
https://laodong.vn/thoi-su/thu-tuong-tran-tro-khi-nhieu-du-an-do-dang-lang-phi-1468256.ldo
PHẠM ĐÔNG (báo lao động)