Thông qua nhiều cơ chế làm đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Sáng 19.2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Với 459/459 phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh Quochoi.vn
Trước khi biểu quyết thông qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Tùng, mạng lưới đường sắt đô thị của hai thành phố có quy mô lớn và được đầu tư kéo dài qua nhiều kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn, do đó Chính phủ đã đề xuất sử dụng nguồn ngân sách địa phương, nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, trong quá trình xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030, giai đoạn 2031 - 2035.
Chính phủ sẽ căn cứ khả năng cân đối vốn để bố trí cho các dự án đầu tư đường sắt đô thị theo khoản 1 Điều 4 dự thảo Nghị quyết bảo đảm các cân đối vĩ mô, an toàn nợ công theo quy định. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để bảo đảm tính khả thi trong việc huy động nguồn lực.
Về việc điều chỉnh quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, tiếp thu ý kiến đại biểu quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này tại dự thảo Nghị quyết.
Để bảo đảm tiến độ của các dự án và các yếu tố mang tính tầm nhìn dài hạn của các công trình này, dự thảo Nghị quyết đã quy định theo hướng giao quyền cho hai Thành phố “được quyết định” việc có hay không thi tuyển kiến trúc đối với các công trình đường sắt đô thị.
Theo đó, Ủy ban nhân dân Thành phố sẽ xem xét, quyết định tổ chức thi tuyển kiến trúc đối với các công trình cần bảo đảm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, cảnh quan đô thị, tạo sức hút và tăng tính hấp dẫn đối với hành khách sử dụng đường sắt đô thị. Đối với các công trình đường sắt đô thị không thực hiện thi tuyển phương án kiến trúc, các thành phố quyết định lựa chọn trên cơ sở một số phương án kiến trúc do tư vấn đề xuất.
Theo ông Tùng, trên cơ sở rà soát dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã đề xuất bổ sung, chỉnh lý một số nội dung: bổ sung khoản 4 Điều 4 dự thảo Nghị quyết nội dung: “chi trả hoạt động quy hoạch liên quan đến phương án tuyến công trình, vị trí công trình trên tuyến đường sắt đô thị và quy hoạch khu vực TOD” để có căn cứ cho việc triển khai thực hiện một số hoạt động trước khi có quyết định đầu tư dự án đường sắt đô thị, dự án đường sắt đô thị theo mô hình TOD;
Sửa đổi tên gọi Bộ Giao thông vận tải thành Bộ Xây dựng để bảo đảm thống nhất với định hướng sắp xếp bộ máy Nhà nước;
Rà soát, chỉnh lý thứ tự, tên dự án tại danh mục dự án dự kiến kèm theo Nghị quyết cho phù hợp.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đề xuất của Chính phủ là có cơ sở, do đó xin được tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Nghị quyết. Ngoài ra, các ý kiến góp ý cụ thể đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu tại Báo cáo đầy đủ. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu các ý kiến góp ý, rà soát, hoàn thiện và chỉnh lý về kỹ thuật văn bản của Nghị quyết cho phù hợp" - ông Tùng nói.
https://laodong.vn/thoi-su/thong-qua-nhieu-co-che-lam-duong-sat-do-thi-tai-ha-noi-va-tp-ho-chi-minh-1465271.ldo
Bảo Bình (BÁO LAO ĐỘNG)