Thời sự
Cập nhật lúc 09:56 07/02/2025 (GMT+7)
Thời hạn sắp xếp số lượng cán bộ, công chức khi tinh gọn

Việc thực hiện chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi tinh gọn được nêu rõ tại Nghị định 178/2024.

Thời hạn sắp xếp số lượng cán bộ, công chức khi tinh gọn
Nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức khi tinh gọn được nêu rõ tại Nghị định 178/2024. Ảnh minh họa: Hương Nha

Chính phủ đã ban hành Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ được nêu rõ tại Điều 3 của Nghị định này:

Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ.

Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, một nguyên tắc được nêu tại Nghị định là: Bảo đảm chậm nhất sau 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức đơn vị trong hệ thống chính trị sau sắp xếp theo đúng quy định.

Bảo đảm chi trả chính sách, chế độ kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật; sử dụng đúng, hiệu quả ngân sách nhà nước.

Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trên cơ sở đó thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Tại Nghị định này, Chính phủ cũng nhấn mạnh nguyên tắc, một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất.

Các bộ, ban, ngành ở trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đi công tác ở cơ sở.

Ông Vũ Đăng Minh thông tin về chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản khi sắp xếp bộ máy. Ảnh: Phạm Đông
Ông Vũ Đăng Minh thông tin về chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản khi sắp xếp bộ máy. Ảnh: Phạm Đông

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1.2025 diễn ra vào ngày 5.2, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Trong 5 năm, dự kiến nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước chi trả chính sách, chế độ đối với các trường hợp nghỉ hưu và thôi việc vẫn thấp hơn nguồn kinh phí do ngân sách Nhà nước chi trả tiền lương và các khoản chi khác nếu họ tiếp tục làm việc. Như vậy chúng ta vẫn đảm bảo cân đối được nguồn để chi trả.

Theo ông Vũ Đăng Minh, hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đã có phương án cụ thể về sắp xếp, tổ chức bộ máy và số lượng rất cụ thể.

Riêng về việc tính toán nhân sự vào vị trí nào, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho rằng, cần chờ Quốc hội thông qua cơ cấu tổ chức thì Chính phủ mới ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ ngành.

https://laodong.vn/thoi-su/thoi-han-sap-xep-so-luong-can-bo-cong-chuc-khi-tinh-gon-1459492.ldo

HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: