Tăng tốc đào tạo nhân lực cho lĩnh vực AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội việc làm và thu nhập hấp dẫn. Dù đã đẩy mạnh, nhưng việc đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực AI của các trường đại học Việt Nam còn không ít bất cập trong đó có tình trạng thiếu chuyên gia giỏi.
Phấn đấu đến năm 2030 trở thành trung tâm ứng dụng AI trong khu vực
Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành tạo ra máy móc và hệ thống thông minh thông qua việc sử dụng mô hình máy tính, kỹ thuật và công nghệ liên quan, giúp thực hiện các công việc yêu cầu trí thông minh của con người.
Theo Báo cáo Cơ hội AI cho Việt Nam - Một số khuyến nghị (AI Opportunity Agenda for Vietnam) của Google - Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng thiếu hụt chuyên gia AI, với ước tính chỉ có khoảng 300 chuyên gia AI.
Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, hiện có khoảng 1,5 triệu nhân lực trong ngành công nghệ thông tin đang hoạt động tại Việt Nam. Trong số đó, có khoảng 500.000 kỹ sư được đào tạo bài bản.
Ở giai đoạn ngắn hạn và trung hạn, giai đoạn 2024-2025, Việt Nam thiếu khoảng 150.000 - 200.000 nhân lực công nghệ thông tin mỗi năm, đặc biệt ở các lĩnh vực AI, Big Data, lập trình viên Full-stack và bảo mật an ninh mạng.
“Tại Việt Nam, giai đoạn 2025-2030 sẽ tăng 74% nhu cầu nhân lực về AI, tăng 20.000 chuyên gia/năm liên quan lĩnh vực an ninh mạng và tăng 30%/năm các nhân sự liên quan đến công nghệ Blockchain”, ông Đỗ Thanh Bình thông tin.
Những con số thống kê cho thấy, xây dựng một lực lượng lao động chuyên môn về AI là vô cùng quan trọng để đảm bảo rằng Việt Nam có đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các dự án AI.
Trước nhu cầu nhân lực lĩnh vực AI, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Mục tiêu của chiến lược nhằm đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước cũng không nằm ngoài cuộc, nhanh chóng bắt tay vào đào tạo nhân lực lĩnh vực này. Đáng chú ý, đến thời điểm hiện tại, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là trường đầu tiên tại Việt Nam có khoa về Trí tuệ nhân tạo.
PGS.TS Phạm Văn Cường - Trưởng khoa Trí tuệ nhân tạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông - thông tin, chương trình đào tạo Trí tuệ nhân tạo của Học viện được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế với 2 mảng chính: Học máy và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng dựa trên các chương trình đào tạo tiên tiến từ các trường đại học lớn, uy tín trên thế giới như Stanford University, Carnegie Mellon University nhằm trang bị cho sinh viên những mảng kiến thức vừa có tính chuyên sâu, hiện đại vừa mang tính thực tiễn cao đáp ứng được nhu cầu nhân lực về chuyên gia Trí tuệ nhân tạo chất lượng cao.
Nhiều kiến nghị nâng cao chất lượng nhân lực lĩnh vực AI
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nay việc đào tạo nhân lực lĩnh vực AI của chúng ta còn nhiều bất cập. Nguồn lực con người là quan trọng nhất, do đó Nhà nước cần đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh về các công nghệ cao. Có chính sách thu hút các chuyên gia giỏi trong và ngoài nước tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh tại một số trường đại học, viện nghiên cứu. Các nhóm nghiên cứu này là hạt nhân gắn kết chặt chẽ nghiên cứu khoa học với đào tạo nguồn nhân lực.
Để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới cần phải xây dựng và đầu tư (đầu tư cho đội ngũ giảng viên, học bổng cho sinh viên đại học và sau đại học; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị) cho những chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao ưu tiên trọng điểm cả ở bậc đại học và sau đại học. Thúc đẩy liên kết giữa: Nhà nước, nhà trường - nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực công nghệ cao...
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Đỗ Thanh Bình cho rằng, để đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số trong thời gian tới, Bộ GDĐT cần có các chương trình bồi dưỡng giảng viên với các khóa học chuyên sâu để nâng cao năng lực giảng dạy. Đồng thời, tạo điều kiện và chính sách để sinh viên, giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu công nghệ...
Phía các cơ sở giáo dục đại học cần liên kết chặt chẽ với nhau để có đủ nguồn lực nắm bắt và tổ chức được đào tạo đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại các tập đoàn lớn, xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ chuyên sâu tại các trường đại học trọng điểm...
"Các doanh nghiệp cũng cần công khai kế hoạch nhân sự, đưa ra nhu cầu nhân lực cụ thể để các trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo" - ông Bình đề xuất.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam, trong đó có lĩnh vực AI còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến việc đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu các ngành, lĩnh vực CNC còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Các chương trình đào tạo tại các trường còn tản mạn. Giáo trình và bài giảng còn nặng về lý thuyết, chủ yếu dạy nguyên lý, cách giải quyết bài toán tổng quát, chưa bám sát được sự phát triển của công nghệ tiên tiến trên thế giới. Cơ sở hạ tầng, các phòng thí nghiệm hiện đại của các trường đại học tại Việt Nam hiện nay có thể nói là không theo kịp với các công nghệ tiên tiến hiện đại trên thế giới,…
https://laodong.vn/giao-duc/tang-toc-dao-tao-nhan-luc-cho-linh-vuc-ai-1458538.ldo
TƯỜNG VÂN (BÁO LAO ĐỘNG)