Thời sự
Cập nhật lúc 04:18 14/11/2024 (GMT+7)
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có ảnh hưởng đến người lao động?

Nghiên cứu mới đánh giá về các tác động tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, ảnh hưởng đến người lao động vừa được công bố.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có ảnh hưởng đến người lao động?
GS.TS Hoàng Văn Cường tại hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Ảnh: BTC cung cấp

Ngày 14.11, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chủ trì hội thảo Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với đồ uống có cồn.

Hội thảo với chủ đề: “Phương án tăng thuế đạt đa mục tiêu và lợi ích bền vững”, đã công bố kết quả nghiên cứu Đánh giá tác động kinh tế định lượng của dự thảo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia. Đây là công trình nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện.

Đánh giá về các tác động tăng thuế, nhóm nghiên cứu đã thực hiện với 3 phương án, trong đó 2 phương án dự kiến tăng của Bộ Tài chính đối với mặt hàng bia (được đề cập trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi) và 1 phương án tăng thuế theo đề xuất của Hiệp hội Bia Rượu, Nước Giải Khát Việt Nam (VBA) (đã được đề cập trong văn bản chính thức gửi Bộ Tài chính và Chính phủ).

Xét về tác động tới thu nhập người lao động, phương án 1 làm giảm 3.422 tỉ đồng thu nhập của người lao động trong nền kinh tế (cộng dồn giai đoạn 2026-2030), phương án 2 làm giảm 4.585 tỉ đồng, phương án 3 làm giảm 2.215 tỉ đồng.

Cả ba phương án đều làm giảm thu nhập của người lao động trong nền kinh tế. Trong đó, mức giảm thu nhập của người lao động bởi tăng thuế theo phương án 2 cao gấp hơn 2 lần tác động của tăng thuế theo phương án 3. Điều này cho thấy phương án 3 ít gây tổn thương tới người lao động so với phương án 1 và phương án 2.

Như vậy, việc tăng thuế theo Phương án 3 vẫn đảm bảo được tăng thu ngân sách nhà nước, nhưng gây tác động ít tiêu cực hơn tới ngành bia và 21 ngành trong nền kinh tế. Và điều quan trọng là phương án này cũng đảm bảo tính cân bằng với các mục tiêu xã hội, đảm bảo mức độ bền vững về thu nhập và an sinh của người lao động.

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) - cho hay: "Qua nghiên cứu định lượng chúng tôi nhận thấy khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia thì nguồn thu ngân sách nhà nước từ thuế sản phẩm (thuế gián thu) tăng.

Nhưng xét chung về tác động kinh tế, khi tăng thuế sẽ ảnh hưởng tới sản xuất của ngành bia, từ đó làm giảm sản xuất của các ngành trong quan hệ liên ngành. Điều này dẫn tới khấu hao tài sản cố định của doanh nghiệp giảm, kéo theo lợi nhuận giảm sút, làm giảm thu nhập của người lao động và do đó thuế trực thu giảm.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, mục tiêu của tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm thay đổi hành vi, không phải để tăng thu ngân sách. Đề ra phương án để không gây sốc cho doanh nghiệp. Cần có một khoảng thời gian để đánh giá tác động, có thời gian để chuyển đổi, để doanh nghiệp thích ứng. Mức tăng ra sao, lộ trình tăng như thế nào cần phải xem xét kỹ.

Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV đang diễn ra và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025).

https://laodong.vn/kinh-doanh/tang-thue-tieu-thu-dac-biet-co-anh-huong-den-nguoi-lao-dong-1421281.ldo

Thùy Linh (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: