Sửa nhiều luật để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên
Nghị quyết nêu rõ, cần tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu... để tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025. Ảnh Hải Nguyễn
Sáng 19.2, với 463/464 phiếu tán thành, Quốc hội chính thức thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng đã trình bày trước Quốc hội dự thảo Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng. Ảnh Quochoi.vn
Về mục tiêu, chỉ tiêu, điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu như: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỉ đô la Mỹ (USD). GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Về nhiệm vụ và giải pháp, theo ông Tùng, Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật; Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế; Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến.
Trong đó, khoản 2.1, điều 2 về đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật chỉ rõ:
Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.
Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; trong đó sớm ban hành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); sớm xây dựng Đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược.
Bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh Quochoi.vn
Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học công nghệ, lao động, bất động sản…). Rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.
Khẩn trương triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức các cơ quan, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt với hiệu quả cao hơn; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.
https://laodong.vn/thoi-su/sua-nhieu-luat-de-gop-phan-dat-muc-tieu-tang-truong-gdp-8-tro-len-1465266.ldo
Cát Tường (BÁO LAO ĐỘNG)