Sửa đổi Nghị định 24 cần xem như cuộc đổi mới thể chế, chứ không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật
Tại Việt Nam, thị trường vàng được điều tiết bằng Nghị định số 24/2012/NĐ-CP với mô hình quản lý tập trung, độc quyền sản xuất vàng miếng, song qua hơn một thập kỷ vận hành, cơ chế này bộc lộ nhiều bất cập. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc “đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo cơ chế thị trường định hướng XHCN”. Trong bối cảnh đó, Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 cần một bước chuyển căn bản về tư duy quản lý - không thể vá víu kỹ thuật, mà phải cải cách thể chế thực chất.
PGS.TS Ngô Trí Long. Ảnh: Thuận An
Những vấn đề chính của Nghị định 24/2012/NĐ-CP
Mô hình độc quyền sản xuất vàng miếng, chỉ định thương hiệu SJC là “vàng chuẩn quốc gia”, đã khiến thị trường méo mó nghiêm trọng. Giá vàng trong nước thường xuyên cao hơn giá thế giới từ 12 - 20 triệu đồng/lượng, phản ánh sự méo mó của cơ chế phân phối và cạnh tranh. Ngân hàng Nhà nước, với vai trò vừa là cơ quan quản lý, vừa trực tiếp can thiệp bằng cách sản xuất và nhập khẩu vàng SJC, rơi vào tình trạng “vừa quản lý, vừa tham gia thị trường” - mâu thuẫn với nguyên lý thị trường. Điều này không chỉ làm suy yếu niềm tin mà còn cản trở các doanh nghiệp vàng tư nhân tham gia thị trường bình đẳng.
Bên cạnh đó, hệ thống cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng với các điều kiện ngặt nghèo đã tạo ra “giấy phép con”, bóp nghẹt tính thông thoáng của thị trường. Sự thiếu đa dạng nguồn cung, cơ chế điều phối cứng nhắc đã khiến nhà đầu tư và người dân đổ xô vào tích trữ vàng vật chất, thay vì hướng tới các kênh đầu tư hiệu quả và lành mạnh hơn.
Nội dung dự thảo vẫn chưa đạt tầm đổi mới
Dự thảo hiện tại mới chỉ điều chỉnh kỹ thuật ở một số điều khoản như mở rộng đối tượng sản xuất vàng miếng, quy định điều kiện vốn, cấp hạn mức nhập khẩu vàng... Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn chưa thay đổi mang tính đột phá. Việc duy trì yêu cầu vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng và điều kiện có giấy phép kinh doanh vàng miếng đã giới hạn cơ hội cho phần lớn doanh nghiệp tư nhân - chưa phù hợp với tinh thần phát triển kinh tế tư nhân trong Nghị quyết 68.
Trong khi đó, quy định Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức sản xuất vàng miếng cho thấy tư duy tiếp tục duy trì thế độc quyền trong điều hành. Đặc biệt, Dự thảo chưa đề cập bất kỳ nội dung nào liên quan đến phát triển thị trường vàng trang sức, chế tác, xuất khẩu - trong khi đây chính là lĩnh vực tiềm năng có khả năng thu hút ngoại tệ, tạo việc làm, gia tăng giá trị gia tăng nội địa.
Yêu cầu đổi mới cần thị trường hóa có kiểm soát, đa dạng hóa nguồn cung
Theo quan điểm của tôi, để việc sửa đổi Nghị định 24, cần giải quyết được các vấn đề sau:
Một là, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh có kiểm soát. Cần cho phép từ 5 - 7 doanh nghiệp có đủ năng lực, thương hiệu uy tín được tham gia sản xuất vàng miếng. Bộ tiêu chuẩn vàng quốc gia cần mở cho nhiều thương hiệu, thay vì duy nhất SJC. Đây là biện pháp quan trọng để kéo giảm chênh lệch giá và lành mạnh hóa thị trường.
Hai là, phân tách rõ vai trò quản lý và kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cần tập trung vai trò điều tiết, giám sát, ban hành chuẩn mực kỹ thuật; không tham gia sản xuất hay can thiệp hành chính vào chuỗi cung ứng. Việc tổ chức sản xuất vàng cần để doanh nghiệp đảm nhận, theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ hậu kiểm.
Ba là, xóa bỏ rào cản thể chế, giảm giấy phép con. Hoạt động mua bán vàng miếng nên được coi là hoạt động kinh doanh thông thường, không cần cấp phép riêng, tương tự như nhiều mặt hàng giá trị cao khác. Điều này sẽ giúp thông suốt phân phối và nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường.
Bốn là, phát triển thị trường vàng trang sức và xuất khẩu. Nhập khẩu vàng nguyên liệu cần được tạo điều kiện thông thoáng, minh bạch. Cần bỏ quy định doanh nghiệp chỉ được mua nguyên liệu qua ngân hàng thương mại - điều này không đúng pháp luật và làm tăng chi phí đầu vào.
Năm là, thí điểm sàn giao dịch vàng quốc gia. Đã đến lúc cần nghiên cứu nghiêm túc việc thành lập sàn giao dịch vàng tập trung hoặc đưa vàng vào sàn giao dịch hàng hóa - theo chỉ đạo của Tổng Bí thư. Đây là bước đi bắt buộc để nâng tính minh bạch, chuẩn hóa giá và phòng chống đầu cơ.
Việc sửa đổi Nghị định 24 cần được xem như một cuộc đổi mới thể chế, chứ không chỉ là điều chỉnh kỹ thuật. Đây cũng phải là phép thử cho năng lực thể chế hóa các chủ trương lớn đó vào thực tiễn, tạo bước đi tiên phong trong cải cách quản lý thị trường tài chính - tiền tệ theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
https://laodong.vn/kinh-doanh/sua-doi-nghi-dinh-24-can-xem-nhu-cuoc-doi-moi-the-che-chu-khong-chi-la-dieu-chinh-ky-thuat-1533956.ldo
PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế