Chọn hướng đi phù hợp sau kỳ thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi kết thúc, mỗi thí sinh bước vào ngã rẽ quan trọng. Chọn đúng hướng đi sẽ giúp phát huy năng lực, sở trường và mở ra hành trình phù hợp nhất cho tương lai.
Phân luồng tốt giúp học sinh phát huy thế mạnh. Ảnh: Hải Nguyễn
Đại học không phải là con đường duy nhất
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, không ít thí sinh quyết định rẽ hướng sang học nghề thay vì tiếp tục con đường đại học. Nhật Bình - thí sinh tại Hải Phòng dự định nộp hồ sơ học nghề kỹ thuật điện tại trường cao đẳng gần nhà. Bình chia sẻ, gia đình em thuần nông, bố mẹ quanh năm làm việc trên đồng, thu nhập bấp bênh, việc cho con học tiếp đại học là gánh nặng không nhỏ.
“Em biết sức học của mình chỉ ở mức trung bình. Nếu cố thi đại học cũng không khả quan. Trong khi đó, nghề kỹ thuật điện giờ đang rất cần nhân lực, lương thợ giỏi cũng không kém gì làm văn phòng” - Bình nói.
Với nam sinh, tấm bằng nghề và kỹ năng thực tế quan trọng hơn tấm bằng đại học, bởi nó là “tấm vé” để em chủ động bước ra đời. Con đường học nghề có thể ngắn hơn nhưng mở ra hướng đi phù hợp với điều kiện gia đình và năng lực của bản thân. Bình cho rằng, bản thân không thấy tự ti vì không học đại học bởi làm việc chân chính, kiếm ra tiền bằng sức lao động thì nghề nào cũng đáng quý.
Khác với nhiều bạn bè cùng lớp chọn thi vào đại học, Yến Nhi - thí sinh tại Bắc Giang quyết định nộp hồ sơ vào một trường cao đẳng dạy nghề chăm sóc sắc đẹp ở Hà Nội. Nhi chia sẻ, từ nhỏ em đã thích làm đẹp, thường hay trang điểm, tết tóc cho mẹ và các chị trong xóm vào những dịp lễ, Tết và cưới hỏi.
Bố mẹ Nhi hiểu sức học của con gái không quá nổi trội để thi vào các trường đại học tốp đầu. Hơn nữa, với Nhi, đại học không phải con đường duy nhất để có tương lai tốt.
Chọn nghề chăm sóc sắc đẹp, Nhi cũng ấp ủ ước mơ tự mở tiệm spa nhỏ của riêng mình, vừa làm đẹp cho mọi người, vừa tạo việc làm cho chính mình và những bạn trẻ có ước mơ giống em.
“Em nghĩ nhu cầu làm đẹp của mọi người ngày càng nhiều hơn trước. Nếu có tay nghề tốt, phục vụ tận tình thì không lo thiếu khách” - Nhi chia sẻ.
Phân luồng tốt giúp học sinh phát huy thế mạnh
Theo cô Lê Thị Uyên - giáo viên Trường THPT Nguyễn Thiện Thuật (Hưng Yên), công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cá nhân học sinh và toàn xã hội.
Với học sinh, định hướng nghề nghiệp giúp các em sớm nhận thức về sở thích, năng lực, giá trị cá nhân, đồng thời hiểu hơn về thế giới nghề nghiệp để có lựa chọn ngành học phù hợp. Điều này góp phần giảm thiểu tình trạng chọn sai ngành, chán nản, bỏ học giữa chừng.
“Việc phân luồng, tư vấn nghề nghiệp hiệu quả góp phần cung cấp nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu thị trường lao động, tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”, lãng phí nguồn lực đào tạo. Từ đó, thúc đẩy phát triển cân đối các ngành nghề, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế” - cô Uyên nói.
Nữ giáo viên cho rằng, thời điểm lý tưởng để bắt đầu công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh là từ cuối bậc THCS, đặc biệt ở lớp 9 giai đoạn học sinh bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn về năng lực bản thân. Khi lên THPT, công tác này càng cần được đẩy mạnh từ lớp 10 đến lớp 12, thông qua các hoạt động trải nghiệm thực tế, giúp học sinh củng cố và xác định rõ hướng đi phù hợp.
Tuy nhiên, cô Uyên cũng cho biết, khi đứng trước ngã rẽ lựa chọn nghề nghiệp, nhiều học sinh vẫn băn khoăn vì không biết bản thân phù hợp với ngành nào do thiếu hiểu biết về thị trường lao động; chịu áp lực từ gia đình khi chọn nghề theo xu hướng thay vì sở thích; lo lắng về cơ hội việc làm, thu nhập sau tốt nghiệp; thiếu thông tin về các ngành nghề mới, yêu cầu kỹ năng cụ thể; thậm chí lo ngại về khả năng tài chính để theo học.
Để vượt qua giai đoạn quan trọng này, cô Uyên dành lời khuyên cho học sinh: “Các em cần tìm hiểu kỹ các ngành nghề mình quan tâm, lắng nghe bản thân, tham khảo ý kiến thầy cô, cha mẹ và chuyên gia hướng nghiệp. Cân nhắc học nghề nếu muốn sớm đi làm. Và các bậc phụ huynh hãy là người đồng hành, lắng nghe, thấu hiểu, giúp con tìm kiếm thông tin đa chiều, không áp đặt ý muốn chủ quan và khuyến khích con thử nghiệm nhiều lĩnh vực trước khi quyết định”.
https://laodong.vn/giao-duc/chon-huong-di-phu-hop-sau-ky-thi-tot-nghiep-thpt-1533411.ldo
Thanh Hằng (báo lao động)