Trách nhiệm của địa phương trong tuyển dụng, sử dụng công chức
Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức. Ảnh: Hải Nguyễn.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.7.2025.
Bộ Nội vụ cho biết, về cơ bản, Nghị định được thiết kế theo nguyên tắc kế thừa các nội dung quy định tại các Nghị định hiện hành đã được sửa đổi, bổ sung năm 2024 tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP và có lược bỏ, điều chỉnh, bổ sung nội dung để bảo đảm đúng với quy định mới của Luật Cán bộ, công chức năm 2025.
Theo đó, Nghị định tập trung sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, thay thế các nội dung liên quan đến: Tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm; Bố trí vị trí việc làm đối với công chức được tuyển dụng, thay đổi vị trí việc làm và xếp ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm;
Ngoài ra, còn có chế độ thôi việc đối với công chức; Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý công chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Thực hiện quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2025, Nghị định 170/2025/NĐ-CP tiếp tục đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, theo đó, Bộ, ngành, địa phương có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ công chức thuộc thẩm quyền quản lý.
Đồng thời, quy định Bộ, ngành, địa phương thực hiện việc phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc và trực thuộc.
Ngoài ra, Nghị định xác định và quy định thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức trong việc: bố trí vị trí việc làm đối với người trúng tuyển vào công chức; thay đổi vị trí việc làm công chức.
Về đơn giản hóa thủ tục hành chính, Nghị định 170/2025/NĐ-CP không quy định về thi, xét nâng ngạch công chức, theo đó các thủ tục hành chính về thi, xét nâng ngạch công chức sẽ được bãi bỏ; đồng thời, giảm thiểu các hình thức quy định khi tuyển dụng công chức.
Ngoài ra, để giảm thiểu thủ tục hành chính, Nghị định 170/2025/NĐ-CP quy định không phải lập hồ sơ bổ nhiệm theo quy định trong trường hợp đổi tên cơ quan, tổ chức, đơn vị mà không thay đổi mô hình tổ chức thì cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng.
Nghị định 170/2025/NĐ-CP quy định người đứng đầu cơ quan quản lý công chức hoặc cơ quan sử dụng công chức được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng quyết định cho thôi việc hoặc ủy quyền quyết định cho thôi việc đối với công chức.
Nghị định cũng quy định cụ thể trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với trường hợp công chức tự nguyện xin thôi việc và trường hợp công chức bị cho thôi việc.
Công chức tự nguyện xin thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như: Được trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;
Và được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
https://laodong.vn/thoi-su/trach-nhiem-cua-dia-phuong-trong-tuyen-dung-su-dung-cong-chuc-1534027.ldo
ANH HUY (BÁO LAO ĐỘNG)