Thời sự
Cập nhật lúc 10:54 06/05/2025 (GMT+7)
Sau sắp xếp, Đặc khu Phú Quốc sở hữu những cái nhất ấn tượng

Kiên Giang - Thành lập Đặc khu Phú Quốc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 8 xã, phường.

Sau sắp xếp, Đặc khu Phú Quốc sở hữu những cái nhất ấn tượng
Cảnh đẹp Nam đảo Phú Quốc. Ảnh: Nguyên Anh

Vừa qua, HĐND tỉnh Kiên Giang đã thông qua dự thảo nghị quyết về việc thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã của tỉnh Kiên Giang năm 2025.

Sau khi sắp xếp, tỉnh Kiên Giang có 48 ĐVHC cấp xã, bao gồm 41 xã, 4 phường và 3 đặc khu.

Theo đó, thành lập Đặc khu Phú Quốc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 8 xã, phường: phường Dương Đông, phường An Thới, xã Dương Tơ, xã Hàm Ninh, xã Cửa Dương, xã Bãi Thơm, xã Gành Dầu, xã Cửa Cạn. Đồng thời, kết thúc hoạt động của 8 xã, phường này.

Sau sắp xếp, Đặc khu Phú Quốc có diện tích 575,29 km2, dân số 157.629 người. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC tại trụ sở UBND TP Phú Quốc hiện hữu. Đây là ĐVHC có diện tích lớn nhất của tỉnh Kiên Giang sau sắp xếp.

Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong hơn 145 đảo, lớn nhỏ thuộc tỉnh Kiên Giang, Phú Quốc là đảo lớn nhất. Phú Quốc nằm ở vị trí trung độ của khu vực Đông Nam Á, thuộc vùng biển Tây Nam của Việt Nam, trong Vịnh Thái Lan, có đường giao thông hàng hải, hành lang hàng không quốc tế quan trọng giữa Nam Á, Đông Á và Châu Úc.

Đặc biệt, trên vành đai kinh tế biển Việt Nam - Campuchia - Thái Lan, Phú Quốc có lợi thế về liên kết, giao thương bằng đường hàng không và hàng hải với các vùng duyên hải Campuchia và Thái Lan, có điều kiện thuận lợi để trở thành một điểm đến ấn tượng trong mạng lưới các trung tâm du lịch nổi tiếng của Đông Nam Á và thế giới. Phú Quốc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, kinh tế - xã hội của TP Phú Quốc có bước phát triển vượt bậc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đồng thời là điểm đến hàng đầu về du lịch biển đảo của du khách trong và ngoài nước.

Việc thành lập đặc khu Phú Quốc căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại mới, nhằm đảm bảo chính quyền địa phương ở hải đảo tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; bảo đảm linh hoạt, chủ động ứng phó khi có sự kiện, tình huống đột xuất, bất ngờ xảy ra nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên vùng biển phía Tây Nam.

Ngoài ra nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng kinh tế biển, hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm thu hút người dân ra sinh sống, bảo vệ và phát triển hải đảo; gắn với sắp xếp ĐVHC, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động; bảo đảm chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất; qua đó góp phần tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh trên vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc.

Qua rà soát các quy định hiện hành của pháp luật, cân nhắc, nghiên cứu kỹ phương án sắp xếp và tổ chức lấy ý kiến cử tri theo quy định, tỉnh Kiên Giang đặt tên ĐVHC cấp cơ sở sau sắp xếp là “Đặc khu Phú Quốc”. Việc đặt tên là phù hợp với các yếu tố lịch sử, đây cũng là địa danh đã có từ rất lâu đời, dễ đọc, dễ nhớ, dễ nhận diện và đặc biệt là mang tính chỉ dẫn địa lý đối với khu vực có quy mô hoạt động phát triển du lịch biển đảo lớn bật nhất của Việt Nam. Việc đặt tên ĐVHC được đông đảo cử tri trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

https://laodong.vn/thoi-su/sau-sap-xep-dac-khu-phu-quoc-so-huu-nhung-cai-nhat-an-tuong-1501835.ldo

NGUYÊN ANH (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: