Quốc hội thống nhất giữ nguyên HĐND cấp quận, phường
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) vừa thông qua, Quốc hội đã quyết định giữ nguyên Hội đồng Nhân dân (HĐND) ở cấp quận và phường trên toàn quốc.
Quốc hội thống nhất giữ nguyên HĐND cấp quận, phường. Ảnh Quochoi.vn
Quốc hội thông qua dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi sáng 19.2. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua có 50 điều, giữ nguyên về số điều nhưng đã có sự chỉnh lý tại 41/50 điều so với dự thảo Luật mà Chính phủ trình Quốc hội tại đầu kỳ họp.
Tại điều 2 của Luật quy định về Tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính có quy định, chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND.
Trường hợp Quốc hội có quy định về việc không tổ chức cấp chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính cụ thể thì chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính đó là UBND.
Chính quyền địa phương ở nông thôn gồm chính quyền địa phương ở tỉnh, huyện, xã.
Chính quyền địa phương ở đô thị gồm chính quyền địa phương ở thành phố trực thuộc trung ương, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, phường, thị trấn.
Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định khi thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đó.
Bộ Nội vụ trước đó đề xuất không tổ chức HĐND cấp quận, phường và xã thuộc đô thị trên toàn quốc, thay vào đó chỉ duy trì UBND hoạt động theo cơ chế thủ trưởng hành chính, trực thuộc UBND cấp trên. Theo đề xuất này, chủ tịch và các phó chủ tịch UBND sẽ do chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp bổ nhiệm. Tuy vậy, trước khi trình Quốc hội, nội dung này đã được rút khỏi dự thảo luật.
Tại phiên thảo luận ở hội trường của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết Chính phủ đề xuất giữ nguyên mô hình tổ chức chính quyền địa phương như hiện hành để "tránh hẫng hụt trong vận hành", vì chúng ta đang đánh giá tổng thể mô hình tổ chức của cả hệ thống chính trị và sẽ tiếp tục có điều chỉnh.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được ban hành nhằm tạo lập hành lang pháp lý để các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước sau sắp xếp đi vào hoạt động, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, thống nhất, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển mới; đồng thời, khắc phục một số hạn chế, bất cập của Luật hiện hành.
Mục tiêu xây dựng Luật nhằm sửa đổi cơ bản, toàn diện và hợp lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương để cụ thể hoá đầy đủ quy định của Hiến pháp năm 2013 và thể chế hoá các chủ trương, định hướng trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng nhằm tiếp tục đổi mới chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân quyền giữa cơ quan nhà nước ở Trung ương với địa phương, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-thong-nhat-giu-nguyen-hdnd-cap-quan-phuong-1465459.ldo
Bảo Bình (BÁO LAO ĐỘNG)