Quốc hội quyết định số lượng thành viên Chính phủ
Theo dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng trình Quốc hội quyết định.
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 khai mạc ngày 12.2 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và trách nhiệm của Chính phủ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; vị trí, chức năng của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Đồng thời quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nguyên tắc tổ chức và hoạt động, chế độ làm việc của Chính phủ; mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với các cơ quan liên quan trong thực hiện quyền hành pháp.
Về cơ cấu, Chính phủ gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Theo dự thảo luật, Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn trình Quốc hội quyết định thông qua các dự án luật được Quốc hội giao; thông qua luật hoặc ban hành nghị quyết của Quốc hội về: Các mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội; chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; chính sách dân tộc, tôn giáo của Nhà nước; chính sách cơ bản về đối ngoại...
Trình Quốc hội ban hành nghị quyết của Quốc hội về thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, ban hành nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về: thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh.
Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định đặc xá theo thẩm quyền.
Chính phủ có nhiệm vụ thống nhất quản lý nền hành chính quốc gia, thống nhất, thông suốt, liên tục, dân chủ, trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
Trong đó, thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về cán bộ, công chức, viên chức và công vụ trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, công chức;
Quyết định biên chế cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương.
Quy định số lượng cấp phó tối đa của người đứng đầu đơn vị trực thuộc cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, đơn vị trực thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.
Thống nhất quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của các hội, tổ chức phi chính phủ.
Thống nhất quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chế độ tiền lương, phụ cấp và các chế độ, chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ trung ương đến địa phương.
Thống nhất quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực quốc gia. Thống nhất quản lý việc sử dụng ngân sách nhà nước, các tài sản công khác và thực hiện các chế độ tài chính theo quy định của pháp luật trong các cơ quan nhà nước; thi hành chính sách tiết kiệm, chống lãng phí.
https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-quyet-dinh-so-luong-thanh-vien-chinh-phu-1459689.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)