Quảng Ninh hướng dẫn phương án xây dựng nhân sự xã, phường, đặc khu
Quảng Ninh - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh vừa có Hướng dẫn số 10-HD/TU về xây dựng phương án nhân sự cấp ủy xã, phường, đặc khu sau sáp nhập.
Theo đó, ngoài cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư đảng ủy xã, phường, đặc khu không là người địa phương và khuyến khích thực hiện như vậy đối với các chức danh khác như trong các văn bản trước đó, thì Hướng dẫn số 10-HD/TU còn bổ sung nhiều điểm mới.
Trong đó, đối với các chức danh lãnh đạo đảng ủy xã, phường, đặc khu, cần xem xét, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu công việc chung là chính, đồng thời theo thứ tự định hướng như sau: Các đồng chí là thường trực; ủy viên ban thường vụ; phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân; cấp ủy viên cấp huyện hiện nay...; Tăng cường một số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp ban, ngành, sở cấp tỉnh (nếu cần).
Đối với đảng bộ xã, phường, đặc khu (sau khi hợp nhất, sáp nhập, thành lập mới), thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh làm bí thư đảng ủy; trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm bí thư đảng ủy.
Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn đối với cán bộ đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra.
Hội nghị nghe và cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ phường Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, nhiệm kỳ 2025-2030. Ảnh: Cổng thông tin TP Uông Bí.
Về tiêu chuẩn: Ngoài có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng; có năng lực, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thì cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý xã, phường, đặc khu (trừ phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc kiêm chủ tịch Hội Cựu chiến binh; lãnh đạo đơn vị sự nghiệp y tế, giáo dục) phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với ngành, lĩnh vực công tác theo quy định; có bằng tốt nghiệp trung cấp lý luận chính trị trở lên, hoặc có giấy xác nhận tương đương trình độ trung cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền; có trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý theo quy định.
Cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp ủy, các chức vụ (cao hơn) lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (gồm các tổ chức chính trị - xã hội) phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 1 năm (12 tháng); trường hợp đặc biệt, chưa bảo đảm thời gian giữ chức vụ, thì giao cấp có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đối với phương án nhân sự lãnh đạo chủ chốt của xã, phường, đặc khu thành lập mới (Bí thư, phó bí thư, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch ủy ban nhân dân): Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị và xây dựng phương án nhân sự cụ thể, báo cáo xin ý kiến Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện phương án nhân sự chủ chốt của xã, phường, đặc khu thành lập mới, trước khi trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định theo thẩm quyền; bảo đảm chặt chẽ, kịp thời, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động liên tục của xã, phường, đặc khu thành lập mới và không bị gián đoạn. Việc này phải hoàn thành trước ngày 20.5.2025.
https://laodong.vn/thoi-su/quang-ninh-huong-dan-phuong-an-xay-dung-nhan-su-xa-phuong-dac-khu-1507021.ldo
Nguyễn Hùng (báo lao động)