Kiểm soát chặt nguồn gốc hàng hóa, không để lẩn tránh thuế quan
Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động từ bên ngoài có dấu hiệu không lành mạnh, lẩn tránh thuế quan.
Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt việc lẩn tránh thuế quan có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta. Ảnh: VGP
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.
Tại nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm giảm thiểu tác động từ đầu tư bên ngoài có dấu hiệu không lành mạnh, lẩn tránh thuế quan có thể gây ảnh hưởng đến xuất khẩu của nước ta.
Tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện nghiêm quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, khẩn trương kết thúc đàm phán và khởi động đàm phán, ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Á, Đông Âu, Ấn Độ, Brazil...
Tích cực trao đổi với các cơ quan của Mỹ để thúc đẩy đàm phán thỏa thuận thương mại song phương, đảm bảo hài hòa, hợp lý, có lợi cho cả hai bên.
Khẩn trương triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Mỹ. Tăng cường trao đổi thông tin, cùng đề xuất phương hướng hợp tác hiệu quả, thực chất thời gian tới phù hợp với các nỗ lực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ và vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá chính xác tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam.
Nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 15.4.2025 phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ.
Khẩn trương hoàn thiện Nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân, hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại Việt Nam, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15.4.2025 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình quốc tế, khu vực, việc thay đổi và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Điều hành tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết nhằm ổn định thị trường ngoại tệ. Tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ.
Hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ.
Nghiên cứu xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4.2025.
https://laodong.vn/thoi-su/kiem-soat-chat-nguon-goc-hang-hoa-khong-de-lan-tranh-thue-quan-1490344.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)