Những nhiệm vụ, quyền hạn chính của HĐND, UBND cấp huyện
Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện.
Điều 19 dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp huyện. Trong ảnh, kỳ họp thứ 21, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Hanoi.gov.vn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường thứ 9, sáng mai (19.2), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi.
Điều 19 dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp huyện.
HĐND cấp huyện quyết định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương và phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết; phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Quyết định biện pháp để phát triển các lĩnh vực kinh tế, đất đai, tài nguyên, môi trường, giáo dục, y tế, văn hoá, thông tin, du lịch, thể dục thể thao; biện pháp để thực hiện các chính sách xã hội; phòng chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.
Quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức các Ban của HĐND cấp mình; quyết định các đại biểu hoạt động chuyên trách, số lượng thành viên các Ban của HĐND cấp mình theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Quyết định thành lập, sắp xếp, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cùng cấp theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Quyết định biên chế công chức trong các cơ quan của chính quyền địa phương cấp mình và cấp xã trực thuộc, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý theo chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao; quyết định cụ thể số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Thông qua đề án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, đổi tên đơn vị hành chính cấp mình và cấp xã trực thuộc.
Quyết định thành lập, sắp xếp, giải thể, đặt tên, đổi tên thôn, tổ dân phố theo quy định của pháp luật.
Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của HĐND cấp mình; Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên UBND cùng cấp; bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật.
Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do HĐND bầu và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 20 của dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân (UBND) cấp huyện.
UBND huyện thực hiện quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn huyện bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, quản trị hiện đại, trong sạch, công khai, minh bạch, phục vụ nhân dân.
Quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình; quyết định thành lập, sắp xếp, giải thể và quy định tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp mình.
Quản lý số lượng biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn tổ dân phố trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật và phân cấp của cơ quan nhà nước cấp trên.
Ban hành quy chế làm việc của UBND cấp mình; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, ủy quyền và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
https://laodong.vn/thoi-su/nhung-nhiem-vu-quyen-han-chinh-cua-hdnd-ubnd-cap-huyen-1464722.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)