Thời sự
Cập nhật lúc 06:14 01/02/2025 (GMT+7)
Ngọn hải đăng soi sáng con đường phát triển bền vững

Với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng ý chí đoàn kết của toàn dân tộc, văn hóa sẽ tiếp tục là ngọn hải đăng soi sáng con đường phát triển bền vững.

Ngọn hải đăng soi sáng con đường phát triển bền vững
Đảng ta luôn xác định tinh thần, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong ảnh: Một chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng.

Sợi dây liên kết chặt chẽ mọi tầng lớp nhân dân

Việt Nam là một đất nước có hàng nghìn năm lịch sử, trải qua nhiều sự biến đổi, thăng trầm, đã tích lũy, tạo tác bản sắc văn hóa riêng, làm nên “hồn cốt của dân tộc”.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, theo đó, văn hóa cũng là nền tảng của Đảng. V.I. Lênin từng chỉ rõ, phải xây dựng đảng cầm quyền thật sự là một đảng tiêu biểu cho “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Sự ra đời của Đảng chính là một sản phẩm của văn hóa, là kết quả của sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa đỉnh cao của văn hóa nhân loại (chủ nghĩa Mác - Lênin) với tinh hoa của văn hóa dân tộc (phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam).

95 năm qua (1930-2025) Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc vượt qua muôn vàn thử thách, đưa đất nước từng bước đi lên từ áp bức, nghèo đói, đến ánh sáng của độc lập, tự do và hạnh phúc. Một trong những dấu ấn lớn nhất của Đảng chính là vai trò dẫn dắt của văn hóa - hồn cốt của dân tộc.

Ngay từ khi ra đời, Đảng đã xác định văn hóa không chỉ là mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng, mà còn là nền tảng tinh thần, là sợi dây liên kết chặt chẽ mọi tầng lớp nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quan điểm chỉ đạo của Đảng với văn hóa được thể hiện rõ ràng và nhất quán qua các thời kỳ. Từ Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 - bản tuyên ngôn khẳng định văn hóa phải phục vụ kháng chiến, kiến quốc, gắn liền với dân tộc, khoa học và đại chúng, cho đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 - nơi khẳng định vai trò của văn hóa trong chiến lược phát triển bền vững, Đảng ta luôn nhất quán với tư duy “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”.

Động lực kinh tế quan trọng

Nhờ định hướng đúng đắn của Đảng, văn hóa Việt Nam đã không ngừng phát triển, vừa giữ được những giá trị truyền thống lâu đời, vừa không ngại đổi mới để thích nghi với thời đại.

Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được UNESCO công nhận, trở thành niềm tự hào của không chỉ người Việt Nam mà còn của toàn nhân loại. Nhã nhạc cung đình Huế vang vọng quá khứ vàng son của triều đại; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên như một bản trường ca bất tận về núi rừng; hát xoan Phú Thọ chắt lọc những tinh hoa dân gian truyền thống...

Nghệ thuật biểu diễn cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Tuồng, chèo, cải lương không chỉ được bảo tồn mà còn được sáng tạo để phù hợp hơn với hơi thở đương đại. Điện ảnh Việt Nam ngày càng tự tin hiện diện trên trường quốc tế với những bộ phim mang đậm dấu ấn văn hóa nhưng lại chứa đựng câu chuyện toàn cầu. Mỹ thuật, âm nhạc, văn học nghệ thuật hiện đại của Việt Nam đã và đang tạo nên những tên tuổi mới, những phong cách độc đáo mà vẫn đậm tinh thần Việt Nam.

Quan trọng hơn, văn hóa không chỉ dừng lại ở vai trò tinh thần mà đã trở thành động lực kinh tế quan trọng. Các ngành công nghiệp văn hóa, từ du lịch văn hóa, điện ảnh, đến nghệ thuật biểu diễn, đã góp phần tạo nên diện mạo mới cho kinh tế Việt Nam.

Mỗi sản phẩm văn hóa, từ một tác phẩm nghệ thuật đến một món ăn truyền thống, không chỉ mang giá trị vật chất mà còn kể câu chuyện hấp dẫn về bản sắc, lịch sử và con người Việt Nam với thế giới.

Vững bước chinh phục những đỉnh cao mới

Trong kỷ nguyên mới - thời đại của hội nhập và toàn cầu hóa, văn hóa không chỉ là nền tảng giữ gìn bản sắc mà còn là sức mạnh để dân tộc Việt Nam vững bước trên hành trình chinh phục những đỉnh cao mới, khẳng định vị thế trên bản đồ thế giới.

Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mở ra những cơ hội chưa từng có, đồng thời đặt ra không ít thách thức cho sự phát triển văn hóa. Hội nhập quốc tế đòi hỏi chúng ta phải giữ vững bản sắc, trong khi sự chuyển mình của xã hội hiện đại yêu cầu đổi mới để thích nghi.

Nhưng từ những bài học lịch sử và thành tựu hiện tại, chúng ta có thể vững tin rằng, với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, cùng ý chí đoàn kết của toàn dân tộc, văn hóa sẽ tiếp tục là ngọn hải đăng soi sáng con đường phát triển bền vững, tạo nên một bản sắc độc đáo trong kỷ nguyên toàn cầu.

Văn hóa không chỉ là di sản của quá khứ mà là nguồn lực sống động cho tương lai, là sức mạnh để dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới, khẳng định giá trị riêng, và tiếp tục viết nên những chương mới rạng rỡ trong lịch sử.

https://laodong.vn/thoi-su/ngon-hai-dang-soi-sang-con-duong-phat-trien-ben-vung-1457069.ldo

PGS.TS BÙI HOÀI SƠN - ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN VĂN HÓA GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI

In
Về đầu
Lượt truy cập: