Quy định mới chặn làm sai lệch kết quả thanh tra
Các hành vi tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra, hoặc cố tình làm sai lệch kết quả thanh tra đều bị xử lý nghiêm khắc.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông tư số 08/2024/TT-TTCP hướng dẫn thực hiện quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 3.2.2025 có các nội dung quy định thống nhất và cụ thể hóa quy trình tiến hành thanh tra, từ khâu chuẩn bị đến công bố kết luận thanh tra.
Nội dung gây nhiều chú ý là sau khi hoàn thành quá trình thanh tra, Điều 12 Thông tư số 08 quy định trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các thành viên đoàn thanh tra và hồ sơ, tài liệu kèm theo, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm nghiên cứu, tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của đoàn thanh tra.
Báo cáo này sẽ được xem xét, thẩm định và hoàn thiện trước khi ban hành kết luận được quy định tại Điều 17 như yêu cầu đối tượng thanh tra giải trình, làm rõ thêm những vấn đề trong dự thảo kết luận tại Điều 15; tham khảo ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về dự thảo kết luận thanh tra tại Điều 16.
Thông tư 08 cũng quy định về trách nhiệm công khai kết luận thanh tra (Điều 18). Việc công khai được thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật Thanh tra và Điều 48, Điều 49 Nghị định số 43/2023/NĐ- CP.
Đối với hình thức tổ chức cuộc họp công bố kết luận thanh tra, Thông tư số 08 quy định việc công khai được lập thành biên bản, trong đó nêu rõ thành phần, nội dung, địa điểm công khai, có chữ ký xác nhận của người chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra.
Một nội dung quan trọng khác của Thông tư số 08 được quy định tại Chương III là việc bổ sung các quy định về giám sát trong hoạt động thanh tra và thẩm định dự thảo kết luận thanh tra.
Trong đó, Điều 20 quy định về giám sát của thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người là thành viên đoàn thanh tra, trong đó thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp có quyền yêu cầu báo cáo việc chấp hành nhiệm vụ thanh tra nhằm ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra trong quá trình thanh tra.
Thông tư số 08 cũng đưa ra các quy định xử lý vi phạm như xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm trong quá trình thanh tra (của người tiến hành thanh tra; người giám sát, thực hiện thẩm định).
Các hành vi như lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, tiết lộ thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc thanh tra, hoặc cố tình làm sai lệch kết quả thanh tra đều bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.
Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) Trần Đăng Vinh, với các hướng dẫn chi tiết và cụ thể, Thông tư số số 08 sẽ là văn bản pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật Thanh tra và các nghị định liên quan, không chỉ đưa ra hướng dẫn chi tiết về trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra mà còn tạo ra một cơ chế giám sát và thẩm định minh bạch, rõ ràng, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra, ngăn ngừa tiêu cực và vi phạm trong hoạt động công quyền.
https://laodong.vn/thoi-su/quy-dinh-moi-chan-lam-sai-lech-ket-qua-thanh-tra-1456843.ldo
LAM DUY (BÁO LAO ĐỘNG)