Nghị quyết 68: Đột phá về thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh của kinh tế tư nhân
Ngày 5.5, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thay mặt Bộ Chính trị ký Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, nhấn mạnh những chính sách mới tạo thuận lợi cho “lực lượng tiên phong của nền kinh tế” phát triển. Một trong những nội dung được cộng đồng doanh nghiệp tư nhân quan tâm chính là hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh của kinh tế tư nhân.
Bên trong Nhà máy thép Hòa Phát. Ảnh: Hải Nguyễn
Trước khi Nghị quyết 68 được ban hành, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Trong đó, có nêu bật yêu cầu: “Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp phù hợp với mục tiêu, định hướng cải cách tư pháp. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ thống dịch vụ pháp lý, hỗ trợ pháp lý, trợ giúp pháp lý, đăng ký biện pháp bảo đảm để người dân và doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật, quản trị rủi ro pháp lý. Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân”.
Xây dựng và hoàn thiện pháp luật liên quan đến kinh tế tư nhân cũng là một trong những điểm mới tại Nghị quyết 68. Tại Nghị quyết này, Bộ Chính trị yêu cầu cải cách thể chế, bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh của kinh tế tư nhân. Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách. Đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật theo cơ chế thị trường, giảm can thiệp hành chính, cơ chế “xin - cho”. Đảm bảo quyền tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.
Đồng thời, hoàn thiện pháp luật, xóa bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, chi phí thấp. Minh bạch hóa, số hóa, tự động hóa thủ tục hành chính. Đến năm 2025, cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục, 30% chi phí tuân thủ, 30% điều kiện kinh doanh. Phấn đấu đến 2028, môi trường kinh doanh thuộc top 3 ASEAN, top 30 thế giới.
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, sửa đổi Luật Phá sản, đẩy mạnh tố tụng điện tử. Thiết lập cơ chế phản hồi về vướng mắc. Đảm bảo không phân biệt đối xử trong tiếp cận nguồn lực. Hoàn thiện chính sách thuế, phí công bằng cũng như khung pháp lý cho mô hình kinh tế mới (Fintech, AI, tài sản ảo...), cơ chế thử nghiệm sandbox và pháp luật về dữ liệu…
Có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, bãi bỏ lệ phí môn bài, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 3 năm đầu. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, thương mại điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia mua sắm công…
Cùng với đó, Nghị quyết 68 yêu cầu sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.
Như vậy, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội quá trình điều tra, xét xử các vụ án, nhất là các vụ án liên quan đến kinh tế tư nhân được nhắc đến trong cả Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị. Trong đó, nhiều nội dung được cụ thể hóa tại Nghị quyết 68. Đây chính là điểm nhấn nổi bật, mang tính đột phá để phát triển mạnh mẽ hơn nữa kinh tế tư nhân.
https://laodong.vn/thoi-su/nghi-quyet-68-dot-pha-ve-the-che-bao-ve-quyen-tai-san-va-tu-do-kinh-doanh-cua-kinh-te-tu-nhan-1502202.ldo
Phạm Trần (BÁO LAO ĐỘNG)