Ngân hàng Việt Nam trước xu hướng ESG: Từ tín dụng xanh đến phát triển bền vững
ESG đang trở thành xu hướng toàn cầu. Ngành ngân hàng Việt Nam, với những bước tiến quan trọng, đang dần tạo nên nền tảng phát triển bền vững cho nền kinh tế.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, dòng vốn tín dụng xanh từ Agribank đang giúp những cánh đồng lúa chuyển mình với các mô hình canh tác bền vững, năng lượng tái tạo và giảm thiểu phát thải carbon. Đây chỉ là một trong những nỗ lực điển hình của ngành ngân hàng trong việc tích hợp các tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) vào chiến lược kinh doanh, hướng tới phát triển bền vững toàn diện.
Tuy nhiên, ESG không chỉ là câu chuyện riêng của tín dụng xanh. Nó đòi hỏi một tầm nhìn chiến lược, sự phối hợp đồng bộ giữa các trụ cột, và quan trọng hơn, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và cộng đồng đầu tư.
Tín dụng xanh - Khởi đầu cho hành trình ESG
Với vai trò chủ lực trong cung cấp vốn và dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã tập trung triển khai tín dụng xanh như một giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Agribank, ngân hàng này đã ưu tiên nguồn vốn cho các dự án nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng sạch, và quản lý rủi ro môi trường trong cấp tín dụng.
“Chúng tôi nhận thức rõ rằng tín dụng xanh là một phần quan trọng trong chiến lược ESG, nhưng ESG không chỉ dừng lại ở đó. Cần triển khai đồng bộ cả ba trụ cột môi trường, xã hội và quản trị để đạt được phát triển bền vững toàn diện" - TS Hà nhấn mạnh.
Ngoài tín dụng xanh, Agribank đã thực hiện nhiều sáng kiến để phát triển bền vững như giảm thiểu sử dụng tài nguyên, thay thế các vật liệu có tác hại đến môi trường và tăng cường sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Ngân hàng này cũng chú trọng đến xã hội, với các chương trình tín dụng ưu đãi cho người dân vùng sâu vùng xa và các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Việc áp dụng ESG không chỉ giúp nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển xã hội, bảo vệ quyền lợi người lao động và khách hàng.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu Công ty Chứng khoán MB (MBS), dòng vốn toàn cầu đang chuyển hướng mạnh mẽ sang các quỹ tài chính bền vững. Tính đến giữa năm 2024, tổng tài sản của các quỹ này đã đạt 3.500 tỉ USD, chiếm 7% tổng tài sản các quỹ đầu tư toàn cầu. Bà Hiền cho biết, khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang trở thành điểm sáng thu hút dòng vốn bền vững nhờ vào tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế, tiềm năng năng lượng tái tạo và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng gặp phải không ít khó khăn trong việc đánh giá và lựa chọn các dự án bền vững tại Việt Nam do thiếu thông tin dữ liệu về phát triển bền vững và thực hành ESG. Bà Hiền cho rằng: “Cần phải xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ và minh bạch, hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp trong việc đánh giá rủi ro môi trường và xã hội".
ESG tại Việt Nam: Thực tiễn và thách thức
Thực tế, việc triển khai ESG tại Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là do khung pháp lý chưa hoàn thiện và thiếu sự đồng bộ giữa các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, Chính phủ đã có những bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho ESG thông qua các luật và nghị định liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. ThS Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - nhấn mạnh: “Chúng ta đã có những bước đi quan trọng, nhưng để thực hành ESG thực sự hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp".
Việc áp dụng ESG không chỉ là vấn đề của ngân hàng mà còn là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống doanh nghiệp. TS Giang cũng cho biết thêm, việc thúc đẩy tín dụng xanh tại Việt Nam còn gặp một số hạn chế, như thiếu các tiêu chí rõ ràng cho các dự án xanh, và việc thiếu các cơ chế ưu đãi cho các tổ chức tài chính trong việc cấp tín dụng xanh. Để giải quyết vấn đề này, bà Giang đề xuất: “Cần xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các dự án xanh và phát triển các quỹ tài chính bền vững".
Tương lai của ESG tại Việt Nam
Với những bước đi tích cực từ các ngân hàng và cơ quan nhà nước, ESG tại Việt Nam đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ cụ thể để thúc đẩy việc áp dụng ESG rộng rãi trong ngành ngân hàng và các doanh nghiệp. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về ESG, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp công bố thông tin về ESG để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và các tổ chức tài chính.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng việc áp dụng ESG đã và đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành ngân hàng Việt Nam. Thực hành ESG không chỉ giúp ngân hàng phát triển bền vững mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế xanh và xã hội bền vững tại Việt Nam trong tương lai.
https://laodong.vn/kinh-doanh/ngan-hang-viet-nam-truoc-xu-huong-esg-tu-tin-dung-xanh-den-phat-trien-ben-vung-1444532.ldo
Minh Ánh (BÁO LAO ĐỘNG)