Nhiều ý kiến ủng hộ quy định mới
Bộ GDĐT vừa ban hành Thông tư số 29/2024 ngày 30.12.2024 quy định về dạy thêm, học thêm (DTHT). Thông tư này có hiệu lực từ ngày 14.2.2025, thay thế Thông tư số 17 từ năm 2012.
Thông tư 29/2024 quy định giáo viên (GV) đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh (HS) đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học.
Thông tư cũng nêu rõ các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm, trong đó: "Không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".
Đặc biệt, quy định mới cấm việc dạy thêm có thu tiền trong nhà trường.
Thông tư quy định về việc xếp lớp, phân công GV, xếp thời khóa biểu và tổ chức DTHT phải bảo đảm yêu cầu như: lớp dạy thêm được xếp theo môn học đối với từng khối lớp; mỗi lớp có không quá 45 HS; trong một tuần, mỗi môn học thêm không quá 2 tiết.
Thông tư mới quy định không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu thực hiện chương trình chính khóa; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình.
Thông tư nói trên được dư luận, giáo giới và các gia đình có con em đang đi học đặc biệt quan tâm. Có nhiều người lên tiếng ủng hộ, đồng thuận.
Nhà giáo Nguyễn Thị Hà - GV THPT tại TP Vinh chia sẻ với phóng viên Báo Lao Động: “Việc cấm dạy thêm có thu tiền trong nhà trường và cấm GV dạy thêm HS của mình là cần thiết, nhằm bảo đảm tính khách quan, ngăn chặn các hiện tượng không công bằng, tiêu cực (GV ưu ái cho HS học thêm, khoanh vùng đề thi, bớt xén nội dung dạy chính khóa để dạy thêm, dạy thêm đại trà…) và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện trong tổ chức DTHT. Nếu HS có nhu cầu thì đăng ký học thêm ngoài nhà trường, cơ sở nào đảm bảo chất lượng sẽ được lựa chọn”.
Một cán bộ quản lý giáo dục tại huyện Yên Thành cũng chia sẻ các quy định mới sẽ tạo thuận lợi hơn cho công tác quản lý. “Nhà trường từ nay sẽ có thời gian tập trung cho công tác chuyên môn, không bị vướng bận bởi việc tổ chức, quản lý DTHT”- cán bộ này cho biết.
Lo ngại bất cập tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường
Bên cạnh đó, vẫn còn những lo lắng, băn khoăn về quy định DTHT mới.
“DTHT trong nhà trường có những ưu điểm như mức giá thấp, phù hợp với hoàn cảnh của đại đa số học sinh hiện nay (khoảng hơn 20 nghìn đồng/buổi). Công tác quản lý nề nếp, chất lượng được siết chặt, do đó đã góp phần củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục.
Nay cấm DTHT có thu tiền trong nhà trường, đồng nghĩa với việc HS có nhu cầu sẽ phải tìm đến các cơ sở ngoài nhà trường, giá dịch vụ theo thỏa thuận sẽ cao hơn so với mức thu của nhà trường. Bên cạnh đó khâu quản lý chất lượng, nề nếp, cơ sở vật chất... sẽ có nhiều khó khăn, bất cập.
Ngoài ra, không phải nơi nào cũng có các trung tâm dạy thêm để đáp ứng nhu cầu HS, đặc biệt tại các địa bàn nông thôn, miền núi” - nhà giáo Phan Văn Tiến, GV THPT huyện Nam Đàn bày tỏ.
Hiệu trưởng một trường THCS tại huyện Nghi Lộc cũng trao đổi: “Trường tôi cho viết đơn tự nguyện học thêm chứ không tổ chức đại trà, một số HS không đăng ký học. Đa số phụ huynh yêu cầu nhà trường tổ chức DTHT buổi chiều, vì phụ huynh đi làm cả ngày nên con ở nhà không tự giác học, không ai quản lý nên họ sợ con đi lung tung. Họ bảo đến trường là yên tâm nhất. Nay đã có quy định thì trường phải chấp hành, tuy nhiên vẫn còn nhiều lo lắng về giá cả, chất lượng và nề nếp tại các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường”.
Đại diện Sở GDĐT Nghệ An cho biết sẽ tổ chức triển khai thực hiện Thông tư 29/2024 của Bộ GDĐT quy định về DTHT với tinh thần tuân thủ nghiêm túc.
“Quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh việc hướng dẫn, quản lý công tác DTHT, chúng tôi sẽ nắm bắt những thông tin phản hồi từ các cơ sở giáo dục và sẽ báo cáo Bộ GDĐT để có hướng xử lý phù hợp” - đại diện Sở GDĐT Nghệ An cho biết.