Thời sự
Cập nhật lúc 11:48 19/02/2025 (GMT+7)
Mở rộng quyền tham gia của ĐBQH trong quy trình xây dựng luật

Theo quy định mới trong dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), ĐBQH không chỉ tham gia thảo luận tại kỳ họp mà còn có thể góp ý ngay từ giai đoạn xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản.

Mở rộng quyền tham gia của ĐBQH trong quy trình xây dựng luật
ĐBQH không chỉ tham gia thảo luận tại kỳ họp mà còn có thể góp ý ngay từ giai đoạn xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản. Ảnh Quochoi.vn

Sáng 19.2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường và biểu quyết thông qua dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) với 459/461 phiếu tán thành.

Trình bày trước Quốc hội Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương và 72 điều, bảo đảm bám sát, thể chế hóa đầy đủ định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị cũng như yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung của các luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này.

 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh Quochoi.vn

Về ý kiến đề nghị của ĐBQH rằng trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội cần bổ sung các quy định nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của ĐBQH, theo ông Tùng, UBTVQH nhận thấy ý kiến của ĐBQH là rất xác đáng, nhất là trong điều kiện đổi mới mạnh mẽ quy trình lập pháp của Quốc hội theo hướng chủ yếu thông qua luật, nghị quyết tại một kỳ họp.

Do đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, bổ sung tối đa trong dự thảo Luật các quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện để ĐBQH, các Đoàn ĐBQH tham gia từ sớm vào quy trình xây dựng, ban hành luật thông qua việc tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng chính sách, tổ chức soạn thảo văn bản; tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến về dự án luật, nghị quyết trước khi các cơ quan chính thức trình dự án…, như quy định tại khoản 1 Điều 30, khoản 3 Điều 33, khoản 1 Điều 37, khoản 1 Điều 38 của dự thảo Luật.

Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

https://laodong.vn/thoi-su/mo-rong-quyen-tham-gia-cua-dbqh-trong-quy-trinh-xay-dung-luat-1465318.ldo

Bảo Bình (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: