Thời sự
Cập nhật lúc 07:55 19/04/2025 (GMT+7)
Lý do tên Sài Gòn được đặt cho một phường trung tâm TPHCM

TPHCM - Quận 1 sẽ đặt tên “Sài Gòn” cho một trong bốn phường mới được thành lập sau khi sáp nhập 10 phường hiện hữu.

Lý do tên Sài Gòn được đặt cho một phường trung tâm TPHCM
Khu vực công viên Bến Bạch Đằng (phường Bến Nghé, Quận 1, TPHCM). Ảnh: Anh Tú

Theo UBND Quận 1, phường Sài Gòn mới hình thành trên cơ sở hợp nhất toàn bộ phường Bến Nghé, khu phố 1 của phường Nguyễn Thái Bình và một phần diện tích các khu phố 4, 5, 6, 8, 10 của phường Đa Kao.

Phường này có diện tích hơn 3 km², dân số khoảng 47.000 người, giới hạn bởi các trục đường lớn như Hoàng Sa, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Kiệt, Tôn Đức Thắng và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Tên gọi “Sài Gòn” không xa lạ với người dân TPHCM. Đây là một địa danh đã ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ, từng là tên gọi phổ biến của vùng đất này trước năm 1976 - thời điểm thành phố chính thức mang tên TP Hồ Chí Minh.

Trong suốt chiều dài hơn 300 năm lịch sử, vùng đất này từng mang nhiều tên gọi khác nhau như Gia Định, Phiên An, Phan Yên, Chợ Lớn, Bến Nghé…, nhưng "Sài Gòn" vẫn là cái tên thân thuộc, gần gũi và có sức lan tỏa lớn trong văn hóa, nghệ thuật và đời sống thường ngày.

Trụ sở HĐND, UBND TPHCM
Trụ sở UBND TPHCM - công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng của TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ

UBND Quận 1 cho biết, lý do chọn tên “Sài Gòn” cho phường mới, vì đây là khu vực trung tâm lịch sử, chính trị, kinh tế và văn hóa của TPHCM.

Nơi đây tập trung hàng loạt công trình kiến trúc biểu tượng như: UBND TPHCM, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng TPHCM, Bảo tàng Lịch sử, Cục Hải quan TPHCM…

Nhà hát Thành phố trên đường Đồng Khởi.  Ảnh: Thanh Vũ
Nhà hát Thành phố trên đường Đồng Khởi. Ảnh: Thanh Vũ

Phường Sài Gòn cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử quan trọng như xưởng Ba Son - nơi gắn với hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và phong trào công nhân đầu thế kỷ 20, hay Tòa Tổng lãnh sự Mỹ - từng là đại sứ quán Mỹ trước năm 1975.

Phường có hơn 3/4 chu vi giáp sông, kênh rạch - từ rạch Thị Nghè, rạch Tàu Hũ đến sông Sài Gòn - khẳng định yếu tố sông nước đặc trưng trong lịch sử và văn hóa vùng đất này.

Khu công viên Bến Bạch Đằng thuộc phường Bến Nghé (Quận 1) giáp mặt sông Sài Gòn.  Ảnh: Anh Tú
Khu công viên Bến Bạch Đằng thuộc phường Bến Nghé (Quận 1) giáp mặt sông Sài Gòn. Ảnh: Anh Tú

Không những vậy, khu vực này còn là trung tâm thương mại - dịch vụ sầm uất, với những trục đường biểu tượng như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi, Hai Bà Trưng…

Trong đó, phố đi bộ Nguyễn Huệ đã trở thành không gian công cộng nổi bật, thu hút đông đảo người dân và du khách mỗi ngày.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ.  Ảnh: Thanh Vũ
Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Thanh Vũ
Bưu điện TPHCM là một trong những công trình biểu tượng về du lịch của Thành phố.  Ảnh: Anh Tú
Bưu điện TPHCM là một trong những công trình biểu tượng về du lịch của Thành phố. Ảnh: Anh Tú

Đặt tên “Sài Gòn” cho phường mới không chỉ thể hiện sự trân trọng với giá trị lịch sử mà còn góp phần gìn giữ bản sắc địa phương giữa bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng.

Theo UBND Quận 1, cái tên phường Sài Gòn dễ nhận diện, quen thuộc với cư dân lẫn khách quốc tế, thuận tiện cho việc quảng bá hình ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế đô thị.

Mộ góc phường Bến Nghé sắp tới sẽ đổi tên thành phường Sài Gòn.  Ảnh: Anh Tú
Một góc phường Bến Nghé sắp tới sẽ đổi tên thành phường Sài Gòn. Ảnh: Anh Tú

Ngoài ra, “Sài Gòn” không chỉ là một địa danh, mà còn là biểu tượng của lòng tự hào, ký ức thân quen và trách nhiệm tiếp nối những giá trị truyền thống.

Theo UBND Quận 1, trong hành trình phát triển hiện đại, việc giữ lại cái tên này chính là nhấn mạnh bản sắc của một thành phố trẻ trung nhưng giàu di sản - một TPHCM không ngừng đổi mới mà vẫn biết trân quý cội nguồn.

Ngày 15.4, tại Hội nghị lần thứ 39 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM và tiếp đó vào ngày 18.4 tại kỳ họp thứ 22 HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu đã thống nhất thông qua phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính, theo đó toàn TPHCM sẽ giảm từ 273 phường, xã, thị trấn xuống còn 102 phường, xã.

Riêng Quận 1 sẽ được tổ chức lại từ 10 phường hiện hữu, sáp nhập thành 4 phường mới, gồm: Tân Định, Sài Gòn, Bến Thành và Cầu Ông Lãnh.

https://laodong.vn/xa-hoi/ly-do-ten-sai-gon-duoc-dat-cho-mot-phuong-trung-tam-tphcm-1493270.ldo

MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG) 

In
Về đầu
Lượt truy cập: