Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân - Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ
Lữ đoàn 126 Hải quân - Lữ đoàn đặc công là một trong những lực lượng nòng cốt, đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Truyền thống vẻ vang
Theo Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng của Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân: Đoàn 126 là lực lượng đặc công của Hải quân nhân dân Việt Nam, được thành lập ngày 13.4.1966 - tiền thân của Lữ đoàn đặc công 126 ngày nay. Ngày 13.4 hàng năm cũng là ngày truyền thống của Lữ đoàn đặc công 126.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn 126 có 7 năm liên tục tham gia hoạt động, chiến đấu ở chiến trường Bắc Quảng Trị. Đó là giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ và ác liệt của cuộc chiến tranh. Song với tinh thần quả cảm, táo bạo, mưu trí và sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ các thế hệ Đoàn 126 đã vượt qua nhiều thử thách, hy sinh, lập nên những chiến công đặc biệt xuất sắc, đánh chìm và đánh bị thương hàng trăm tàu địch, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của địch góp phần cùng quân chủng và quân dân cả nước đánh bại nhiều âm mưu chiến lược của Mỹ - ngụy. Đoàn đã huấn luyện được hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đặc công nước ưu tú, kịp thời chi viện cho các chiến trường sông biển miền Nam. Đặc biệt trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 - đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng của Đoàn cùng với "Đoàn tàu không số" và một bộ phận cán bộ, chiến sĩ Quân khu 5 đã thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa góp phần làm nên chiến thắng giành độc lập trọn vẹn cho Tổ quốc cho dân tộc.
Thành tích trong huấn luyện, hoạt động và chiến đấu của Đoàn 126 đã góp phần sáng tạo ra một phương thức tác chiến độc đáo của chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Sau ngày nước nhà thống nhất, phát huy truyền thống Anh dũng mưu trí, khắc phục khó khăn, đoàn kết lập công, chiến thắng liên tục của đơn vị ba lần được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Đoàn 126 đã tham gia chiến đấu cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng của bọn Pôn Pốt và bảo vệ biên giới Tây Nam, tham gia bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa, góp phần cùng Quân chủng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
“Những thành tích và chiến công trong huấn luyện, hoạt động và chiến đấu của Đoàn 126 là rất vẻ vang và đáng tự hào” - Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh khẳng định.
Lấy chiến trường làm thao trường huấn luyện
Theo Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh, Lữ đoàn đặc công 126 có các lực lượng đặc công người nhái, đặc công nước, đặc nhiệm chống khủng bố và một số lực lượng khác.
Việc huấn luyện đối với lực lượng đặc công của Lữ đoàn phải nói là rất nghiêm khắc. Hằng ngày, cán bộ chiến sỹ không chỉ rèn luyện thể lực, mà còn phải ngâm mình nhiều giờ dưới nước. Đợt cao điểm huấn luyện, tất cả đều ở ngoài biển hàng tháng, cả ngày huấn luyện và ăn uống trên biển, chỉ đêm mới vào đảo nghỉ ngơi. Mục tiêu của mỗi cán bộ chiến sỹ là bơi và bơi cả ngày trên biển và lặn sâu ở mức vài chục mét.
Theo Thượng tá Hoàng Văn Vĩnh, hiện tại, Lữ đoàn đặc công 126 cũng đã được trang bị đầy đủ thiết bị để lặn sâu đến 100 mét. Việc huấn luyện chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu luôn được Lữ đoàn quán triệt đến từng cán bộ, chiến sỹ, nhằm đảm bảo nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thiếu tá Nguyễn Nhân Linh, Đại đội trưởng Đại đội 12 - Đại Đội đặc công chống khủng bố - cho biết: Hàng ngày, chúng tôi huấn luyện đơn vị theo kế hoạch. Từ huấn luyện trên trời - như nhảy dù, đổ treo, thả dây từ máy bay xuống, đến huấn luyện mặt đất - leo trèo nhà 5 tầng, leo tường sắt, trèo tường kính; huấn luyện dưới nước: gồm bơi và lặn.
“Mặc dù trong quá trình huấn luyện, cán bộ chiến sỹ luôn đối mặt với các nguy cơ chấn thương, nguy hiểm, phức tạp nhưng hầu hết anh em đều cố gắng, nỗ lực và đều hoàn thành các chỉ tiêu yêu cầu. Các kỹ năng đều thành thạo, tinh thông võ thuật, đảm bảo sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Thiếu tá Nguyễn Nhân Linh cho biết.
Trao đổi về quá trình huấn luyện và trưởng thành, chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn Đặc công nước của Lữ đoàn 126 - Đại úy Phạm Đình Đức, sinh năm 1997 quê ở Thái Bình - cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, Đức thi vào trường Sỹ quan đặc công, học chuyên ngành đặc công nước.
Đại úy Phạm Đình Đức kể: Do sinh ra ở vùng sông nước, từ nhỏ tôi đã biết bơi, đam mê với sông nước, lại được nghe nhiều câu chuyện về các chiến sỹ đặc công, nên tôi đã ước mơ, quyết tâm thi vào trường Sỹ quan đặc công. Được sự quan tâm của các cấp chỉ huy, thầy cô giáo, tôi đã bước chân vào được ước mơ của mình.
Tuy nhiên, những ngày đầu huấn luyện, có nhiều lúc quá vất vả, mệt mỏi một phần cũng là do chưa quen với cường độ huấn luyện. Sau đó, tôi được chỉ dạy, đã dần dần vượt qua được ngưỡng của mình, bơi đạt mức quy định. Mỗi ngày ngâm mình dưới nước nhiều tiếng đồng hồ, nếu không có sự cố gắng, thì rất dễ nản. May mắn, được cấp trên tin tưởng, động viên nên tôi đã vượt qua.
Công việc hàng ngày của tôi là trò chuyện, động viên, hướng dẫn bộ đội trong quá trình huấn luyện tại đơn vị, tham gia sinh hoạt cùng bộ đội. Tôi mong muốn, với sự đóng góp nhỏ bé của mình, tôi được góp phần vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ Tổ quốc.
Với những thành tính đã đặt được, Lữ đoàn đặc công 126 Hải quân 3 lần được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng và Nhà nước trao tặng. Ngoài ra, đơn vị còn nhiều lần được nhận Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Quốc phòng; Cờ thi đua Quân chủng Hải quân; Đơn vị Quyết thắng…
https://laodong.vn/xa-hoi/lu-doan-dac-cong-126-hai-quan-luc-luong-dac-biet-tinh-nhue-1438577.ldo
CÔNG HÒA - MAI CHI (BÁO LAO ĐỘNG)