Kiểm toán Nhà nước đẩy mạnh số hóa hồ sơ trong hoạt động kiểm toán
Kiểm toán Nhà nước thúc đẩy quá trình số hóa hồ sơ và ứng dụng chữ ký số nhằm nâng cao hiệu quả, minh bạch và hiện đại hóa hoạt động kiểm toán.
Quang cảnh tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Ly
Ngày 2.7, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ đã chủ trì tọa đàm về xây dựng danh mục cần số hóa hồ sơ, tài liệu kiểm toán nhằm phục vụ khai thác và ứng dụng chữ ký số vào hoạt động kiểm toán. Tọa đàm được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết nối trực tuyến với các KTNN khu vực.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, việc số hóa hồ sơ kiểm toán sẽ giúp tăng cường khả năng lưu trữ, truy xuất và chia sẻ dữ liệu. Ảnh: Nguyễn Ly
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh, trong bối cảnh chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu, việc xây dựng danh mục cần số hóa hồ sơ, tài liệu kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả, độ chính xác và minh bạch trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Đây cũng là bước đi phù hợp để KTNN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quy trình, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động trong thời kỳ số hóa.
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, việc số hóa hồ sơ kiểm toán sẽ giúp tăng cường khả năng lưu trữ, truy xuất và chia sẻ dữ liệu. Hồ sơ được lưu trữ hệ thống, dễ dàng tìm kiếm, quản lý, giúp tiết kiệm thời gian, giảm thiểu sai sót, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho kiểm toán viên trong việc khai thác, phân tích dữ liệu. Số hóa cũng tạo nền tảng dữ liệu điện tử để phục vụ công tác tổng hợp, báo cáo, kiểm tra, giám sát, lập kế hoạch kiểm toán và triển khai các nhiệm vụ kiểm toán, đáp ứng tốt hơn nhu cầu quản lý, điều hành.
Đáng chú ý, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 09/2024/QĐ-KTNN ngày 27.12.2024 quy định cụ thể về danh mục hồ sơ kiểm toán, chế độ nộp lưu, bảo quản, khai thác và hủy hồ sơ kiểm toán, qua đó tạo hành lang pháp lý để các đơn vị thực hiện. Trong thời gian qua, việc số hóa hồ sơ và ứng dụng chữ ký số đã được KTNN triển khai trên toàn Ngành. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số vướng mắc, hạn chế nhất định, cần được xem xét, điều chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả.
Một số KTNN chuyên ngành, khu vực phản ánh, hiện nay, nhiều hồ sơ kiểm toán đã được thiết lập trên phần mềm như nhật ký kiểm toán, nhật ký công tác, kế hoạch kiểm toán chi tiết hay các báo cáo định kỳ, báo cáo thẩm định... nhưng chưa được khai thác làm hồ sơ kiểm toán điện tử mà vẫn phải scan để lưu trữ theo quy định, dẫn đến tăng thêm khối lượng công việc. Bên cạnh đó, phần mềm quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử của KTNN hiện mới chỉ hỗ trợ lưu trữ, tra cứu mà chưa đáp ứng được yêu cầu tổng hợp, phân tích sâu.
Từ thực tiễn đó, lãnh đạo KTNN đã yêu cầu Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán (CĐ&KSCLKT) phối hợp với các đơn vị trong Ngành nghiên cứu, rà soát rút gọn hồ sơ, tài liệu kiểm toán cần số hóa theo hướng chỉ số hóa những tài liệu cần thiết, sử dụng tối đa tài liệu đã tạo trên máy tính để giảm bớt bước scan, ứng dụng chữ ký số điện tử vào hoạt động kiểm toán; đồng thời tổ chức Tọa đàm để các đơn vị cùng thảo luận, trao đổi về nội dung này.
https://laodong.vn/xa-hoi/kiem-toan-nha-nuoc-day-manh-so-hoa-ho-so-trong-hoat-dong-kiem-toan-1534170.ldo
Như Hạ (báo lao động)