Khi người lớn tuổi, đồng bào dân tộc không còn ngại với thủ tục hành chính
Cần Thơ - Chính quyền cơ sở đang thu hẹp khoảng cách với người dân, đặc biệt là người lớn tuổi, dân tộc thiểu số, nhờ cải cách hành chính đồng bộ.
Ghi nhận tại các Trung tâm phục vụ hành chính công tại các xã, phường của TP Cần Thơ cho thấy, với sự đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, tổ chức lại bộ máy và nâng cao thái độ phục vụ, chính quyền cơ sở đang dần thu hẹp khoảng cách giữa cơ quan nhà nước và người dân, đặc biệt là với người lớn tuổi, dân tộc thiểu số.
Trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã An Ninh, TP Cần Thơ. Ảnh: Phương Anh
Tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã An Ninh (TP Cần Thơ), không khí làm việc diễn ra khẩn trương nhưng trật tự. Dù số lượng người dân đến làm thủ tục khá đông, trong đó phần lớn là người Khmer lớn tuổi, mọi quy trình đều được giải quyết nhanh gọn.
Ông Huý Điền Siêng - người dân tộc Khmer tại địa phương - chia sẻ: "Lớn tuổi rồi nên việc tiếp cận các dịch vụ hành chính cũng chậm và khó khăn hơn người trẻ, nên tôi cũng ngại làm các hồ sơ, thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi đến đây, việc gì không hiểu thì có cán bộ hướng dẫn mình làm nên cũng nhanh gọn, không bị lúng túng".
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công xã An Ninh, TP Cần Thơ. Ảnh: Phương Anh
Bà Châu Ngọc Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh - cho biết, xã An Ninh được sáp nhập từ xã An Ninh và xã An Hiệp (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng cũ). Xã có 16 ấp, tổng diện tích tự nhiên gần 7.000 ha. Toàn xã có hơn 8.000 hộ với hơn 40.000 khẩu. Trong đó, dân tộc Khmer chiếm gần 58%. Đối với bà con Khmer về chuyển đổi số thì cũng đã tiếp cận tích cực, nhưng cũng còn một số chú, bác lớn tuổi thì chưa theo kịp, không giỏi tiếng Việt.
Bà Hồng thông tin, địa phương đã chủ động bố trí thêm cán bộ biết tiếng Khmer để hỗ trợ riêng cho người lớn tuổi, không thông thạo tiếng Việt hoặc chưa quen với công nghệ. Bên cạnh đó, địa phương yêu cầu đặt ra cho đội ngũ cán bộ là phải tận tình, nhã nhặn, luôn sẵn sàng giải thích kỹ càng để người dân dễ hiểu, dễ làm.
Tương tự, Trung tâm phục vụ hành chính công tại xã Thuận Hòa cũng ghi nhận nhiều trường hợp người lớn tuổi đến làm thủ tục. Theo ghi nhận, dù số lượng người dân đông hơn trước, các cán bộ tại đây vẫn hỗ trợ tận tình, giải thích rõ ràng từng bước, giúp người dân hoàn tất hồ sơ nhanh chóng.
Ông Kim Sài Huil - một người dân tộc Khmer - cùng vợ đến làm thủ tục hồ sơ đất đai và được cán bộ hỗ trợ từ khâu khai thông tin đến khi hoàn tất. "Tôi thấy rất tận tình, nhất là người dân tộc như tôi còn yếu tiếng Việt, mà cán bộ vẫn hướng dẫn kỹ từng chỗ. Làm xong sớm, không lo lắng gì hết".
Ông Đinh Phước Phong cũng là người Khmer lớn tuổi, cho rằng việc chuyển các dịch vụ hành chính về xã là rất phù hợp: "Giờ đi xã gần, không phải lên huyện xa. Cán bộ tiếp dân thì vui vẻ, làm nhanh".
Người dân lấy số thứ tự để giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Phương Anh
Tại xã Vĩnh Hải, nơi có trên 75% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, cũng ghi nhận sự thay đổi rõ rệt trong cách người dân tiếp cận dịch vụ hành chính.
Bà Lý Thị Nhỉ (ngoài 60 tuổi), đến xã làm thủ tục khai sinh cho cháu, cho biết: "Các cán bộ bảo vào ngồi, hỏi han xem làm thủ tục gì rồi làm cho luôn. Nhanh lắm. Mừng lắm, vì già rồi mà tới đây thấy cán bộ thân thiện, hướng dẫn tận tình".
Chị Lâm Mộng Đào Nguyên - công chức Văn phòng - Thống kê xã Vĩnh Hải - cho rằng, chính sự nhẹ nhàng, kiên nhẫn trong giao tiếp đã giúp người dân dễ mở lòng hơn. "Người lớn tuổi không hiểu thì hỏi lại. Mình nói nhẹ nhàng, giải thích từ từ thì người ta nghe. Chứ nếu mình làm gắt quá thì người dân ngại, không dám quay lại".
https://laodong.vn/xa-hoi/khi-nguoi-lon-tuoi-dong-bao-dan-toc-khong-con-ngai-voi-thu-tuc-hanh-chinh-1534293.ldo
PHƯƠNG ANH (báo lao động)