Họp bàn về kết thúc hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước
Chính phủ đã cho ý kiến về phương án kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển nhiệm vụ về cơ quan khác.
Ngày 2.1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về "Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" chủ trì phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo.
Kể từ phiên họp trước tới nay, chỉ trong thời gian ngắn, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành đã tích cực, khẩn trương triển khai nhiệm vụ và hoàn thành nhiều công việc, nổi bật là việc thống nhất phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành, cơ quan.
Đặc biệt, các bộ, cơ quan đã cơ bản hoàn thành phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy bên trong để trình Chính phủ.
Tại phiên họp thứ 7, Ban Chỉ đạo tập trung rà soát các công việc đã triển khai và thảo luận về các nội dung tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian tới; cho ý kiến về phương án kết thúc hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển nhiệm vụ của Ủy ban về các cơ quan khác; và một số nội dung khác.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, xây dựng để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc xử lý các vấn đề vướng mắc, phát sinh liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là những văn bản nếu không sửa ngay sẽ ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp, đến nền kinh tế, cản trở sự phát triển.
Liên quan tới mô hình, phương thức quản trị, quản lý các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tổng kết các mô hình hay, kinh nghiệm tốt, cách làm hiệu quả đã có trong thực tiễn, nghiên cứu lựa chọn phương án tối ưu nhất.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, dù cơ quan nào thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước thì cũng phải giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp, trao quyền nhiều hơn cho hội đồng thành viên.
Các cơ quan chức năng tập trung xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật, thực hiện công tác cán bộ và thiết kế công cụ kiểm tra, giám sát.
Trước đó theo kế hoạch, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) sẽ kết thúc hoạt động và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước về các bộ quản lý ngành, nghiên cứu mô hình tổ chức trực thuộc Chính phủ.
Tại hội nghị tổng kết năm diễn ra đầu tháng 12.2024, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch CMSC - đã có những chia sẻ về hoạt động của ủy ban và kỳ vọng về sắp xếp cán bộ.
Đề cập tới chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, ông Nguyễn Hoàng Anh chính thức thông báo ủy ban sẽ kết thúc hoạt động và chuyển chức năng. Ủy ban đã họp và thành lập ban chỉ đạo và triển khai các nội dung theo hướng dẫn chỉ đạo của Chính phủ.
Tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty năm 2024 ước đạt hơn 2 triệu tỉ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và 10% so với cùng kỳ.
Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 111.692 tỉ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý năm nay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tiếp tục thiết lập kỷ lục mới khi hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm về tổng doanh thu hợp nhất khi ước đạt hơn 966.000 tỉ đồng, vượt 32% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế của PVN ước đạt 48.900 tỉ đồng, vượt 2,2 lần kế hoạch năm.
Doanh thu EVN ước đạt 575.000 tỉ đồng, tăng 13,7% so với năm trước. Còn lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MobiFone ước đạt 2.048 tỉ đồng, vượt 20,6% kế hoạch năm.
https://laodong.vn/thoi-su/hop-ban-ve-ket-thuc-hoat-dong-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-1444460.ldo
PHẠM ĐÔNG (báo lao động)