Gỡ rào cản, thúc đẩy du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế chủ lực
Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng.
Khi du lịch là điểm sáng
Năm 2024, Việt Nam đón khoảng 110 triệu lượt khách nội địa và 17,5 triệu lượt khách quốc tế - tăng 38,9%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 840.000 tỉ đồng, tăng 23,8%.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Phạm Văn Thủy đánh giá ngành du lịch Việt đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo nhiều công ăn việc làm, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế và đóng góp trực tiếp 6-8% vào GDP, với 980 - 1.050 tỉ đồng doanh thu.
Đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỉ trọng đóng góp GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam sẽ đón 35 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa; đóng góp trực tiếp từ 10 - 13% trong GDP.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Phạm Văn Thủy thẳng thắn chỉ ra, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều. Sự phối kết hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhiều địa phương có tiềm năng, dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển.
Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp thực tiễn, nhất là đối với các loại hình du lịch mới, một số sản phẩm du lịch mới như du lịch thể thao mạo hiểm liên quan đến tính mạng, sự an toàn của du khách; du lịch nông nghiệp, nông thôn… “Để tháo gỡ cần có sự đột phá ưu tiên về quy trình, thủ tục xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật” - ông Phạm Văn Thủy nói.
Gỡ điểm nghẽn để du lịch tăng tốc
Từ khi Luật Du lịch 2017 có hiệu lực, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai thi hành Luật Du lịch. Đồng thời, các địa phương đã chủ động hướng dẫn triển khai Luật Du lịch trên địa bàn.
Theo báo cáo của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, thực tiễn thi hành pháp luật đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội - cho biết, các quy định trong Luật Du lịch 2017 liên quan đến “Chính sách phát triển du lịch” đến nay chưa được thực hiện trên thực tế. Điều này dẫn đến việc chưa thể huy động đầy đủ mọi nguồn lực cho phát triển du lịch, nhằm đảm bảo ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các điều kiện công nhận điểm du lịch cấp thành phố và khu du lịch cấp thành phố, được quy định tại Điều 23 và Điều 25 của Luật Du lịch, hiện vẫn mang tính chất khung và thiếu tiêu chí, thang điểm cụ thể cho từng nhóm. Do đó, việc thẩm định và công nhận các khu, điểm du lịch cấp thành phố gặp nhiều khó khăn.
Từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel - cho rằng, để du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, chiếm 12-15% GDP hoặc cao hơn, cần có giải pháp và chỉ tiêu, tiêu chí mạnh mẽ hơn.
Ông Kỳ phân tích, trong bối cảnh hiện nay các nước đang cạnh tranh về 4 khía cạnh: Chính sách, xúc tiến, quảng bá - truyền thông và quyền lực mềm của quốc gia. “Đã đến lúc chúng ta xem xét lại cạnh tranh chính sách để kịp thời thay đổi chính sách, từ đó tháo gỡ khó khăn và tạo động lực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế giúp du lịch phát triển” - ông Kỳ đề xuất.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Thông tư hợp nhất quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Thông tư gồm 5 chương, 21 điều, quy định về các vấn đề như người phụ trách dịch vụ lữ hành, bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch nội địa và quốc tế, thu hồi giấy phép kinh doanh, cấp biển hiệu cho cơ sở du lịch, tiêu chuẩn ngoại ngữ, kiểm tra nghiệp vụ hướng dẫn viên, cùng các mẫu đơn, giấy phép, thẻ, chứng chỉ trong lĩnh vực du lịch.
https://laodong.vn/kinh-doanh/go-rao-can-thuc-day-du-lich-viet-nam-thanh-nganh-kinh-te-chu-luc-1444563.ldo
Ý Yên (BÁO LAO ĐỘNG)