Dừng dạy thêm, khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện
Nhiều tỉnh thành động viên, khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện đúng theo Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT.
Các tỉnh, thành cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Bộ GDĐT về dạy thêm, học thêm. Ảnh minh họa: Minh Hà
Dừng dạy thêm
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14.2. Hàng loạt tỉnh, thành cam kết thực hiện nghiêm túc, đầy đủ theo quy định của Bộ GDĐT.
Tại Hà Nội, Sở GDĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm những quy định về dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 29. Sở cũng yêu cầu các địa phương, nhà trường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh, phụ huynh những thông tin về dạy học thêm đúng quy định.
Trước đó, nhiều trường học ở Hà Nội đã tạm dừng dạy thêm. Một số trường dự kiến bố trí kinh phí để bồi dưỡng các nhóm đối tượng theo quy định, gồm nhóm có kết quả học tập chưa đạt ở môn cuối học kỳ liền kề; các em được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh cuối cấp, tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Tại TPHCM, đại diện Sở GDĐT cho hay, quan điểm của Sở là kiên quyết thực hiện đúng theo Thông tư 29, không du di hay thông cảm, bởi đây là một quy định có lợi cho học sinh, góp phần chấm dứt tình trạng o ép học sinh đi học thêm.
Tại Hà Tĩnh, hàng loạt trường học đã dừng hoàn toàn việc dạy thêm, học thêm trước khi Thông tư 29 có hiệu lực. Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị phổ biến thông tin tới giáo viên, phụ huynh.
Khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện
Ngày 17.2, bà Bùi Thị Thanh – Phó Giám đốc Sở GDĐT Thanh Hóa ký văn bản gửi Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; các đơn vị trực thuộc Sở về việc triển khai Thông tư 29 của Bộ GDĐT trong công tác quản lý dạy thêm, học thêm.
Theo đó, Sở GDĐT Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch dạy học trong nhà trường; kế hoạch dạy thêm, học thêm; ôn thi học sinh giỏi, ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 THPT đã được xây dựng từ đầu năm học 2024-2025;
Bố trí kinh phí chi cho dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ nguồn kinh phí đã cấp cho các đơn vị năm 2025; xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có quy định mức chi tổ chức dạy thêm, học thêm. Đồng thời, nâng cao chất lượng giờ dạy chính khóa, hướng dẫn và giám sát việc tự học của học sinh để đạt hiệu quả, khuyến khích học sinh tự nghiên cứu học tập thông qua các phần mềm, các video bài giảng, website ôn luyện,...
Tại Nam Định, trong văn bản gửi các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư 29/2024 của Bộ GDĐT về dạy thêm học thêm, Giám đốc Sở GDĐT Nam Định yêu cầu các đơn vị, trường học điều chỉnh kế hoạch dạy thêm, học thêm đã được xây dựng từ đầu năm học 2024-2025; tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 THPT năm 2025 đảm bảo hiệu quả.
Trong đó, thực hiện tốt phân hóa đối tượng học sinh; ưu tiên bố trí giáo viên hướng dẫn, giúp đỡ những học sinh có kết quả học tập ở mức Chưa đạt hoặc Đạt; với những em có kết quả học tập ở mức Khá và Tốt có thể hướng dẫn học sinh tự ôn tập.
Phân công giáo viên dạy đảm bảo mức tối đa định mức tiết dạy. Ưu tiên bố trí giáo viên có năng lực tốt để dạy, hạn chế việc phân công những thầy cô này đảm nhận các nhiệm vụ kiêm nhiệm khác.
"Động viên khuyến khích giáo viên dạy ôn thi tự nguyện. Kịp thời phát hiện tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các tấm gương tập thể, cá nhân tận tụy, tâm huyết, hết lòng vì học sinh", văn bản của Sở GDĐT Nam Định nêu rõ.
https://laodong.vn/giao-duc/dung-day-them-khuyen-khich-giao-vien-day-on-thi-tu-nguyen-1464740.ldo
Vân trang (BÁO LAO ĐỘNG)