Đột phá giải phóng tư duy khoa học
Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa đặc biệt, được đánh giá rất cao và tạo ra một sự hứng khởi trong toàn xã hội vì đã đề cập đến một vấn đề rất thiết yếu của đời sống.
Ngay trong Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, chủ đề làm thế nào để Nghị quyết 57 nhanh chóng đi vào cuộc sống là một nội dung quan trọng, nhận được sự quan tâm, bàn bạc của các Đại biểu Quốc hội.
Vấn đề là tháo gỡ những điểm nghẽn. Nghị quyết 57 không phải là Nghị quyết đầu tiên của Trung ương về thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ. Tổng Bí thư Tô Lâm không ít lần đã rất thẳng thắn khi đưa ra nhận định: “Một cách tổng thể, nghiêm túc và khách quan, kết quả thực hiện các Nghị quyết của Trung ương chưa đạt các mục tiêu đề ra, chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, rào cản, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ như báo cáo đã nêu từ thể chế, cơ chế, chính sách, luật, đến nguồn lực, phương tiện. Nguyên nhân chính của việc chưa thực sự thành công của các Nghị quyết của Trung ương chính là nằm ở khâu tổ chức thực hiện”.
Đây chính là điểm cốt lõi. Trách nhiệm của Nhà nước, trong đó có Quốc hội là hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển bằng việc luật hóa, thể chế hóa để giải quyết những vấn đề phát sinh trong khâu thực hiện.
Đơn cử như ngay trong sáng 17.2, các ĐBQH đã rất sôi nổi thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Đoàn Đà Nẵng - phát biểu, hiện nay, quy định pháp luật Việt Nam chưa có hoặc mới đề cập chung chung, đặc biệt là các trình tự, thủ tục để đầu tư, xây dựng rườm rà, chưa có các quy chuẩn kỹ thuật cụ thể và không đáp ứng với yêu cầu của Nghị quyết 57. Bởi vậy, bên cạnh một Nghị quyết của Quốc hội sẽ có nhiều luật phải sửa đổi, bổ sung như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu…
Đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua.
Đây cũng là quan điểm mang tính đột phá. Bởi lẽ chỉ có những đột phá mạnh mẽ, phá vỡ điểm nghẽn trong khâu tổ chức thực hiện thì Nghị quyết 57 mới thực sự là “Nghị quyết giải phóng tư duy khoa học”, “Nghị quyết để thực hiện các Nghị quyết”, “Nghị quyết của hành động” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/dot-pha-giai-phong-tu-duy-khoa-hoc-1464683.ldo
Hoàng Lâm (BÁO LAO ĐỘNG)