Thời sự
Cập nhật lúc 02:25 06/05/2025 (GMT+7)
Đề xuất tăng mức phạt, công khai cá nhân bán hàng kém chất lượng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đề xuất tăng nặng các hình thức xử lý với người bán hàng kém chất lượng.

Quang cảnh kỳ họp Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi
Quang cảnh kỳ họp Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi

Trình bày Tờ trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu cơ sở thực tiễn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Theo đánh giá, quá trình tổng kết sau 17 năm thực hiện cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với thực tiễn và thúc đẩy sự phát triển.

Dự thảo luật sửa đổi được xây dựng trên cơ sở "4 quan điểm và 4 chính sách" đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 203/2023. Dự thảo luật sửa đổi bổ sung 30 Điều, bổ sung 17 Điều, bãi bỏ 34 Điều trong tổng số 7 Chương, 72 Điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung xoay quanh các nội dung cơ bản, như xác định Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa và luật khung, các luật chuyên ngành đã quy định chi tiết nhưng không trái với nguyên tắc chung. Bỏ các khái niệm như nhóm 1, nhóm 2 và thay bằng phân loại theo 3 mức độ rủi ro là thấp, trung bình và cao, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bổ sung quy định về phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng lực về tiêu chuẩn, đo lường, thử nghiệm, chứng nhận và công nhận, phục vụ quản lý, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình. Ảnh: Quochoi
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày tờ trình. Ảnh: Quochoi

Trong dự thảo luật cũng đề cập đến việc quản lý chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thương mại điện tử.

Thực tiễn cho thấy, việc kinh doanh thương mại điện tử đang phát triển rầm rộ và chiếm tỉ trọng lớn trong việc kinh doanh buôn bán hàng hóa nói chung. Việc bán hàng qua mạng lại không cần phải có kho chứa trữ hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi khác nhau, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối tượng.

"Dự thảo luật quy định rõ trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và người bán trong minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc. Sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm liên đới nếu để xảy ra hàng hóa kém chất lượng", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày.

Bên cạnh đó, dự thảo luật đề xuất tăng cường xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa. Nâng mức xử phạt hành chính, công khai tổ chức, cá nhân vi phạm. Áp dụng các biện pháp mạnh như đình chỉ hoạt động, thu hồi sản phẩm, tước giấy phép, truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cần thiết.

aa
Sự việc Hằng Du Mục, Quang Linh Vlog bị bắt vì bán hàng lừa dối khách hàng là bài học đắt giá cho những người bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, nền tảng xã hội. Ảnh: D.Trọng

Ngoài ra, dự thảo luật cũng nêu, việc xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia về chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo đảm kết nối và liên thông với hệ thống giám sát chất lượng. Trên nền tảng này, doanh nghiệp công khai thông tin, cơ quan quản lý chủ động giám sát, người dân được tham gia, cung cấp và phản ánh thông tin...

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật trên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho hay, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản thống nhất với quan điểm xây dựng dự án Luật và đề nghị tiếp tục nghiên cứu một số vấn đề để hoàn thiện dự thảo Luật, như: nguyên tắc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH) theo mức độ rủi ro;

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý CLSPHH; biện pháp quản lý CLSPHH phù hợp bối cảnh mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; quản lý CLSPHH mậu biên, kinh doanh qua thương mại điện tử.

Hồ sơ dự án Luật được đánh giá cơ bản đáp ứng được yêu cầu và đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan chủ trì rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tiếp tục rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên để nội luật hóa, bảo đảm thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện.

https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-tang-muc-phat-cong-khai-ca-nhan-ban-hang-kem-chat-luong-1502154.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: