Đề xuất sáp nhập tỉnh trước Đại hội XIV của Đảng
Trước yêu cầu nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, có thể thực hiện trước Đại hội XIV.
GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng có thể thực hiện sáp nhập các tỉnh trước Đại hội XIV của Đảng. Ảnh: Phạm Đông
Tại Kết luận số 126-KL/TW ngày 14.2, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan nghiên cứu định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Các cơ quan cũng cần nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện).
Trao đổi với Báo Lao Động, GS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho biết, định hướng nghiên cứu hợp nhất một số tỉnh, thành lại sẽ tạo ra thế mạnh cho vùng, liên kết vùng tốt hơn.
Theo ông, khi nghiên cứu việc sáp nhập một số tỉnh phải xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể để tạo sự đồng thuận cũng như động lực phát triển mạnh mẽ. Nếu không có tiêu chí mà cứ sáp nhập theo ý muốn chủ quan sẽ không được và còn có thể tạo ra những vùng "lủng củng", phát triển không hợp lý.
GS.TS Trần Ngọc Đường cho rằng, với quyết tâm của Đảng ta hiện nay thì sẽ làm mạnh và nhanh. Bởi chúng ta xác định khởi điểm của kỷ nguyên mới bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng (tháng 1.2026), vì vậy cần chuẩn bị cơ sở vững chắc ngay từ bây giờ để khi bước vào có thể triển khai ngay. Việc sáp nhập tỉnh cũng có thể thực hiện trước Đại hội XIV.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh trả lời Báo Lao Động về vấn đề sáp nhập tỉnh. Ảnh: Phạm Đông
Còn nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, việc nghiên cứu bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp tỉnh là bước tiếp theo trong quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Trung ương.
Theo ông, giờ đây, hạ tầng giao thông thuận lợi, công nghệ thông tin phát triển, trình độ cán bộ công chức được nâng cao. Đây là "thời điểm vàng" để giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Chưa kể chúng ta đang chuẩn bị tâm thế để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc với mục tiêu tăng trưởng năm 2025 trên 8%, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
"Nếu để đơn vị hành chính với số lượng lớn, chia nhỏ các tỉnh thành như hiện nay sẽ hạn chế về nguồn lực, cản trở sự phát triển… Tất cả những điều kiện, đòi hỏi thực tiễn này dẫn đến việc hợp nhất các tỉnh là rất phù hợp", nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Ông Dĩnh nêu thực tế, trước đây, khi tách ra, nhiều tỉnh đã có sự phát triển. Đơn cử như tỉnh Vĩnh Phú tồn tại từ năm 1968 cho đến năm 1996 tách ra thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ.
Hay tỉnh Hà Bắc được thành lập năm 1962 trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, rồi năm 1996 lại chia tỉnh Hà Bắc để tái lập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.
"Khi tách ra, chúng ta thấy có phát triển, nhưng đến thời điểm nào đó các tỉnh sẽ không còn dư địa để phát triển nữa. Vĩnh Phúc làm gì còn dư địa để phát triển. Trước đây khi tách ra, Bắc Ninh phát triển trước, sau đó đến Bắc Giang, nhưng giờ đây Bắc Ninh đã chững lại, Bắc Giang đến thời điểm nào đó cũng không còn dư địa nữa", ông Dĩnh nhận định.
Vậy nên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, phải nghiên cứu sự mâu thuẫn giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng, nguồn lực hiện có.
"Cần sắp xếp các tỉnh nhỏ lại để tăng nguồn lực giữa các tỉnh. Ngày xưa tách tỉnh Bắc Thái ra, Thái Nguyên phát triển, còn Bắc Kạn vẫn là tỉnh nghèo với dân số hơn 300.000 người, dù đất đai, nguồn lực rất lớn, thế mạnh về lâm nghiệp và du lịch chưa được phát huy. Thái Nguyên không cẩn thận lại cạn dư địa, nên hợp nhất lại để cùng phát triển. Trên cơ sở nguồn lực Thái Nguyên đã có, kết hợp với dư địa sẵn có của Bắc Kạn", ông Dĩnh tiếp tục dẫn ví dụ.
Ông Dĩnh cũng nhắc đến 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình được tách ra từ tỉnh Hà Nam Ninh vào năm 1991. Nếu sáp nhập lại sẽ tạo nên một quần thể, phát huy thế mạnh của cả vùng về du lịch tâm linh.
https://laodong.vn/thoi-su/de-xuat-sap-nhap-tinh-truoc-dai-hoi-xiv-cua-dang-1466349.ldo
PHẠM ĐÔNG (báo lao động)