Để Quỹ Nhà ở Quốc gia là trụ cột bền vững của chính sách an sinh
Quỹ Nhà ở Quốc gia không phải là những gói kích cầu ngắn hạn mà cần được thiết kế như một trụ cột tài chính bền vững để phục vụ chính sách an sinh.
Hiện chúng ta có nhiều gói vay lãi suất thấp về nhà ở xã hội (như gói 30.000 tỉ đồng trước đây, gói 120.000 tỉ đồng đang triển khai…) để giúp người dân mua nhà ở.
Song, hầu hết các gói này đều không mang tính dài hạn, khi ngân sách cạn hoặc lãi suất biến động, chương trình có nguy cơ dừng. Hệ quả là nhiều doanh nghiệp, người dân rơi vào cảnh bấp bênh, dự án dang dở.
Muốn giải quyết vấn đề tận gốc thì cần một cơ chế tài chính ổn định và lâu dài. Và Quỹ Nhà ở Quốc gia được kỳ vọng sẽ đóng vai trò “bà đỡ” có thể bơm vốn đều đặn cho hệ sinh thái nhà ở xã hội.
Trong thực tế, ngân sách Nhà nước khó “gánh” toàn bộ chi phí xây dựng hàng triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, quỹ không thể chỉ dựa vào nguồn tài chính công, mà phải khuyến khích các khu vực tư nhân, định chế tài chính, quỹ đầu tư nước ngoài cùng tham gia như kinh nghiệm thành công ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay Singapore.
Với những dự án nhà ở xã hội, vấn đề không chỉ là hỗ trợ người mua (vay lãi suất thấp), mà còn tạo điều kiện cho chủ đầu tư tiếp cận vốn rẻ để xây dựng với chi phí hợp lý, đảm bảo chất lượng.
Nếu Quỹ Nhà ở Quốc gia được thiết kế tốt, đôi bên sẽ cùng có lợi: Doanh nghiệp yên tâm triển khai dự án, người dân an cư trong căn hộ giá phù hợp, hạ tầng cơ bản đảm bảo.
Tuy nhiên, để quỹ này hoạt động hiệu quả, cần cơ chế giám sát chất lượng dự án. Tránh tình trạng rót vốn vào các dự án kém chuẩn, khiến nhà ở xã hội trở thành nhà ở tạm bợ, gây hậu quả lâu dài.
Mọi thủ tục từ xét duyệt vay, giải ngân đến kiểm tra tiến độ dự án phải công khai, hạn chế cơ chế xin-cho, trục lợi. Đồng thời, người dân vay mua cũng nên đáp ứng các tiêu chí rõ ràng (thu nhập, ưu tiên nghề nghiệp…) để bảo đảm công bằng.
Khi được thiết kế như một trụ cột tài chính bền vững, Quỹ Nhà ở Quốc gia không còn là “phương án cứu nguy” cục bộ, mà trở thành chính sách an sinh quan trọng của Chính phủ.
Mỗi năm, quỹ có thể hỗ trợ hàng chục nghìn căn nhà ở xã hội, giúp người thu nhập thấp dần tiếp cận cơ hội sở hữu nhà. Doanh nghiệp cũng an tâm khai thác phân khúc nhà ở giá rẻ một cách dài hạn.
Về phía thị trường bất động sản, việc giảm rủi ro “lệch pha cung - cầu” sẽ tạo ổn định, đóng góp vào tăng trưởng bền vững.
Mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030 sẽ khả thi hơn nhiều nếu Quỹ Nhà ở Quốc gia sớm hình thành và vận hành đúng hướng.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-quy-nha-o-quoc-gia-la-tru-cot-ben-vung-cua-chinh-sach-an-sinh-1485014.ldo
Hoàng Văn Minh (BÁO LAO ĐỘNG)