Đại biểu Quốc hội: Không để việc nhỏ cũng phải Thủ tướng quyết
Đại biểu Quốc hội cho rằng, những công việc sự vụ nhỏ cần tránh giao cho Thủ tướng, để thời gian lo vấn đề quản trị nền hành chính quốc gia.
Việc nhỏ cũng phải Thủ tướng quyết định, còn thời gian đâu quản trị quốc gia?
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 14.2, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ việc phân cấp, phân quyền cho địa phương và các bộ trưởng, trưởng ngành.
Nêu ý kiến, đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn đại biểu Quốc hội Khánh Hòa) cho rằng, việc dự thảo quy định Thủ tướng không quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ là rất phù hợp với vai trò quản trị nền hành chính quốc gia.
Lấy dẫn chứng từ Nghị định 137 ngày 27.11.2020 giao cho Thủ tướng quyết định việc bắn pháo hoa ở các lễ hội, ông Thân đặt ra vấn đề: "Những công việc mang tính chất sự vụ nhỏ nhưng vẫn giao cho Thủ tướng, như vậy thì Thủ tướng sẽ không có thời gian để lo vấn đề quản trị nền hành chính quốc gia?".
Nhà nước không nên “ôm” việc nhiều
Nêu quan điểm trong phân cấp, ủy quyền, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) lấy dẫn chứng từ cơn bão Yagi và cho rằng: "Nếu không xử lý thì xảy ra chết người, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, mà chờ ý kiến của Thủ tướng, Phó Thủ tướng mới quyết thì không được. Phải giao quyền cho bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quyền này.
Tuy nhiên, thực hiện quyền này nếu làm đúng, làm tốt thì chưa chắc được khen, nhưng làm không tốt, ảnh hưởng đến người dân thì bộ trưởng lãnh đủ”, ông Hòa nói.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận tại phiên họp sáng 14.2. Ảnh: Quochoi.vn
Ông Hòa đề nghị, luật quy định khung, còn nghị định của Chính phủ cần quy định rõ ràng hơn để người được phân quyền, ủy quyền, giao quyền yên tâm triển khai làm việc.
Còn theo quan điểm của Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam), hiện nay, chúng ta đang tổ chức tinh gọn bộ máy, đổi mới trong xây dựng pháp luật, nếu không quy định rõ trách nhiệm, trong đó có cả trách nhiệm xây dựng chính sách, quy định chung chung thì luật ban hành rồi lại chờ nghị định, thông tư như trước đây. Thậm chí, luật thì mở mà nghị định, thông tư lại khép. Rồi chưa kể đến câu chuyện nặng về quản lý Nhà nước dẫn đến phát sinh ra “giấy phép con”.
Do vậy, ông Hạ cho rằng, cần phân cấp, phân quyền thế nào cho rõ. "Một điều tôi nghĩ rất quan trọng là khi muốn hoàn thiện nhiệm vụ đổi mới về tinh gọn bộ máy, tinh gọn biên chế có nhiều yếu tố nhưng yếu tố đáng lưu ý là nhà nước không nên ôm việc quá nhiều. Nhất là khi vẫn còn nhiều công việc và nặng về quản lý nhà nước, giấy phép... Chắc chắn phải sinh ra con người và bộ phận đảm nhiệm những công việc đó.
Những gì xã hội, nhân dân làm được, nhà nước nên mở các dịch vụ công để giảm bớt công việc. Nhà nước chỉ giữ vai trò dẫn dắt thực hiện các vấn đề quốc phòng, an sinh, an ninh xã hội. Tôi cho rằng cái gì tư nhân, xã hội làm được, nhà nước nên để xã hội làm. Chia sẻ để giảm bớt sức nặng của bộ máy, đồng thời phát triển đất nước" - ông Hạ nêu quan điểm.
Tiếp thu giải trình sau đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, ban soạn thảo sẽ chỉnh lý dự án, quy định phân cấp, phân quyền, ủy quyền như thế nào cho rõ ràng, rành mạch và dễ triển khai thực hiện.
https://laodong.vn/thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-khong-de-viec-nho-cung-phai-thu-tuong-quyet-1463065.ldo
VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)