Thời sự
Cập nhật lúc 08:59 01/02/2025 (GMT+7)
Chuyên gia nói về hạn chế trong đào tạo nhân lực công nghệ ở Việt Nam

Việt Nam chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao mà mới chỉ dừng lại ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn.

Tuần qua, DeepSeek - một công ty của Trung Quốc đã ra mắt trợ lý AI miễn phí và được truyền thông và người dùng đánh giá là đối thủ xứng tầm với ChatGPT của OoenAI. Điều đáng chú ý là mô hình hình sử dụng ít dữ liệu hơn với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các mô hình AI hiện tại.

Sự xuất hiện của DeepSeek đã gây ra đợt bán tháo cổ phiếu công nghệ toàn cầu, nhiều ông lớn sản xuất chip AI đã mất hàng tỉ USD trong 1 ngày.

Và khi DeepSeek trở thành chủ đề nóng, người sáng lập ra nó, Lương Văn Phong (Liang Wenfeng) và các cộng sự trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Họ đều là những nhà khoa học trẻ của Trung Quốc, được đào tạo bài bản liên quan đến lĩnh vực công nghệ. Và nhờ có nguồn nhân lực chất lượng cao như thế, các sản phẩm công nghệ gây chấn động thế giới đã được ra đời.

Từ cơn "địa chấn" DeepSeek, có thể rút ra nhiều bài học về vấn đề đào tạo nhân lực công nghệ - một lĩnh vực Việt Nam đang rất chú trọng nhưng còn bộc lộ những hạn chế trong quá trình đào tạo.

Nhiều bất cập trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao

Đó là nhận định của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội khi nói về vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam.

Theo ông Đức, khái niệm công nghệ cao có thể được hiểu là các công nghệ mũi nhọn, trọng điểm ưu tiên trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ quốc gia; những công nghệ mới, mang lại giá trị gia tăng lớn và nhanh cho quốc gia; cũng như các công nghệ quan trọng then chốt đảm bảo an ninh quốc gia mà các quốc gia khác không chuyển giao, buộc Việt Nam phải làm chủ.

fgd
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Đức cho rằng, trong thời gian qua, các trường đại học của Việt Nam đã đặc biệt chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao.

Các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực điện - điện tử, kỹ thuật điện tử và liên quan đến chip bán dẫn và vi mạch, công nghệ nano, công nghệ sinh học, Hóa dược, công nghệ vật liệu mới và các công nghệ cao về chăm sóc sức khỏe… đã được triển khai ở nhiều trường đại học lớn như 2 Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Bách Khoa TPHCM, Trường Đại học Y Hà Nội...

Tuy nhiên, nếu đánh giá tổng thể, năng lực quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao ở nước ta nói chung còn thấp, quy mô nhỏ.

Nguyên nhân liên quan đến việc đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, nghiên cứu các ngành, lĩnh vực công nghệ cao còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng; kinh phí đầu tư hạn hẹp; chương trình đào tạo còn hạn chế về khối lượng, nội dung và thiếu các điều kiện, các phòng thí nghiệm hiện đại cho nghiên cứu của giảng viên và thí nghiệm thực hành cho sinh viên...

"Hiện nay chúng ta chưa sở hữu hay làm chủ được bất kỳ công nghệ nguồn, công nghệ cốt lõi nào thuộc lĩnh vực công nghệ cao mà mới chỉ dừng lại ở mức độ làm chủ được một vài công đoạn, một số quá trình hoặc một số yếu tố công nghệ cao nào đó mang tính chuyên ngành.

Chính vì vậy, vấn đề nhân lực công nghệ cao là một vấn đề có tính cấp bách quốc gia, để Việt Nam nắm bắt được những cơ hội của cuộc CMCN 4.0 và phát triển các công nghệ cao, cần tầm nhìn và hoạch định của Chính phủ và sự vào cuộc của các trường đại học" - ông Đức nói.

Sinh viên phải có kỹ năng mềm, tư duy phân tích

Nhiều doanh nghiệp trên thế giới đang nhìn nhận Việt Nam như một điểm đến lý tưởng để tìm kiếm tài năng trong mảng công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao.

Trong khi đó, theo đánh giá của chuyên gia, các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam chậm triển khai thành lập, tổ chức đào tạo một số môn chuyên sâu như Công nghệ tri thức, Thị giác máy tính, Điều khiển học thông minh, AI… Nguyên nhân chủ yếu do thiếu giảng viên chuyên ngành hẹp nên số lượng và chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam thông tin, trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần thêm khoảng 1 triệu nhân lực lĩnh vực công nghệ thông tin để đáp ứng được nhu cầu bùng nổ công nghệ ngày nay; tăng 74% nhu cầu nhân lực về AI, tăng 20.000 chuyên gia/năm liên quan lĩnh vực an ninh mạng và tăng 30%/năm các nhân sự liên quan đến công nghệ Blockchain.

Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Mạnh
Ông Đỗ Thanh Bình, Giám đốc hợp tác quốc tế Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Mạnh

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số trong thời gian tới, ông Bình kiến nghị Bộ GDĐT cần có các chương trình bồi dưỡng giảng viên với các khóa học chuyên sâu để nâng cao năng lực giảng dạy. Đồng thời, tạo điều kiện và chính sách để sinh viên, giảng viên tham gia các dự án nghiên cứu công nghệ...

Các cơ sở giáo dục đại học cũng cần liên kết chặt chẽ với nhau để có đủ nguồn lực nắm bắt và tổ chức được đào tạo đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp. Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp, tạo cơ hội thực tập cho sinh viên tại các tập đoàn lớn, xây dựng phòng thí nghiệm công nghệ chuyên sâu tại các trường đại học trọng điểm...

https://laodong.vn/giao-duc/chuyen-gia-noi-ve-han-che-trong-dao-tao-nhan-luc-cong-nghe-o-viet-nam-1456886.ldo

VÂN TRANG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: