Chưa thoát giao lộ mà đèn giao thông chuyển đỏ có bị phạt?
Vào giao lộ khi đèn giao thông vẫn xanh, nhưng chưa kịp thoát giao lộ mà đèn đã chuyển màu đỏ thì có bị tính là lỗi vượt đèn đỏ?
Đèn chuyển đỏ khi chưa kịp thoát khỏi giao lộ có bị xử phạt?
Tại Khoản 4 Điều 11, Luật Trật tự, an toàn giao thông 2024 quy định, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ.
Trong đó, khi tín hiệu đèn màu xanh, người tham gia giao thông được phép đi (giảm tốc độ hoặc nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường).
Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng. Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp.
Trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác.
Còn tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Như vậy, trong tình huống "vào giao lộ khi đèn giao thông vẫn xanh, nhưng chưa kịp thoát giao lộ mà đèn đã chuyển màu đỏ" có thể hiểu, người điều khiển phương tiện đã đi qua vạch dừng khi đèn vẫn còn xanh, không vi phạm quy định về chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông, cho nên sẽ không bị xử phạt lỗi vượt đèn đỏ (kể cả phạt nguội).
Tuy nhiên, cũng trong tình huống trên, đèn tín hiệu vẫn còn xanh, nhưng đang xảy ra ùn tắc tại giao lộ, nếu người điều khiển giao thông có mặt và yêu cầu các phương tiện đang theo hướng đi có đèn màu xanh phải dừng lại, lúc này người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Trường hợp người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh, cố tình đi vào giao lộ (mặc dù đèn vẫn xanh), gây cản trở giao thông thì có thể bị xử phạt.
Theo đó, với lỗi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông có thể bị phạt 4 triệu đồng - 6 triệu đồng với môtô, 18 triệu đồng - 20 triệu đồng đối với ôtô. Ngoài ra, người vi phạm còn bị trừ 4 điểm trong giấy phép lái xe.
Hiện không có quy định nào về việc xử phạt phương tiện không dừng ở vạch dừng khi thấy giao lộ đang ùn tắc (trường hợp đèn đang xanh, không có yêu cầu của người điều khiển giao thông). Trong tình huống này chủ yếu dựa vào ý thức của người tham gia giao thông, đồng thời cần sự có mặt kịp thời của lực lượng chức năng để điều tiết, phân luồng giao thông.
Quy trình phạt nguội rất chặt chẽ
Hầu hết các nút giao thông lớn ở các địa phương trên cả nước đều được trang bị hệ thống camera giám sát giao thông, bao gồm cả việc trích xuất hình ảnh để xử phạt các trường hợp vi phạm (phạt nguội - PV).
Riêng tại Hà Nội, hiện Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (Phòng CSGT Hà Nội) đang vận hành hơn 600 cụm camera, cùng gần 600 cụm đèn tín hiệu giao thông.
Về xử phạt nguội, chia sẻ với PV báo Lao Động, Thiếu tá Phạm Trung Hiếu - Cán bộ Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông Hà Nội cho hay, các camera sẽ tự động phát hiện và ghi nhận trường hợp vi phạm giao thông, như vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai quy định, đi sai làn đường... Sau đó sẽ tự động gửi hình ảnh vi phạm về trung tâm chỉ huy.
"Khi tiếp nhận hình ảnh xe vi phạm trên đường, đầu tiên cán bộ trung tâm chỉ huy sẽ thông báo đến các chốt tuần tra để xử lý trực tiếp (xử lý nóng). Nếu vào các thời điểm không có lực lượng trên đường (buổi trưa, buổi tối), trung tâm ghi nhận hình ảnh, sau đó xác minh, phân tích từng tình huống vi phạm cụ thể.
Khi xác định có đủ cơ sở để xử phạt, Phòng CSGT Hà Nội sẽ ra quyết định và gửi thông báo bằng văn bản về nơi cư trú của người điều khiển phương tiện theo địa chỉ đăng ký biển số xe", Thiếu tá Phạm Trung Hiếu thông tin.
Sau 7 ngày, người điều khiển phương tiện vi phạm không đến làm việc, CSGT sẽ tổng hợp lại chuyển đến các cơ quan có liên quan, trong đó có cơ quan đăng kiểm.
Khi đến cơ quan công an, người điều khiển phương tiện được trực tiếp xem lại hình ảnh vi phạm. Trường hợp không công nhận lỗi vi phạm, người dân có quyền khiếu nại theo quy định, thậm chí khởi kiện ra tòa án hành chính để được giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình.
Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát còn có chức năng tự động điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông, nhằm phù hợp với tình hình giao thông thực tế tại các nút giao.
https://laodong.vn/xa-hoi/chua-thoat-giao-lo-ma-den-giao-thong-chuyen-do-co-bi-phat-1444576.ldo
Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)