Thời sự
Cập nhật lúc 03:18 03/07/2025 (GMT+7)
Chính sách mới tăng minh bạch và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thuế

Từ ngày 1.7.2025, nhiều quy định thuế mới chính thức có hiệu lực, liên quan đến cách thức thanh toán, kê khai và khấu trừ thuế, đặc biệt với doanh nghiệp và cá nhân có giao dịch qua chuyển khoản, thương mại điện tử và các dịch vụ chịu thuế.

Chính sách mới tăng minh bạch và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thuế
Chính sách mới tăng minh bạch và thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thuế. Ảnh: Hải Nguyễn

Quy định khấu trừ VAT thúc đẩy thanh toán không tiền mặt

Một trong những thay đổi quan trọng từ ngày 1.7.2025 là điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào được mở rộng áp dụng cho tất cả giá trị hóa đơn.

Theo khoản 2 Điều 14 Luật Thuế GTGT năm 2024 (Luật số 48/2024/QH15), cơ sở kinh doanh chỉ được khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi có hóa đơn hợp pháp và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, không phân biệt giá trị thanh toán. Trường hợp thanh toán bằng tiền mặt, dù có hóa đơn hợp lệ, cũng không đủ điều kiện khấu trừ thuế, trừ khi thuộc các trường hợp đặc thù do Chính phủ quy định.

So với quy định trước đây, điểm mới là yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt không còn chỉ giới hạn với hóa đơn từ 20 triệu đồng trở lên, mà áp dụng cho tất cả giao dịch mua vào. Việc mở rộng phạm vi này nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý thuế và kiểm soát dòng tiền, phù hợp với định hướng đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - kế toán.

“Quy định này nhằm mục tiêu tăng tính minh bạch, chống gian lận hoàn thuế, và khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với định hướng chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế”, bà Lê Yến - CEO Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội (Hanoitax) nhận định.

Bà Lê Yến cũng cho rằng: "Quy định mới siết mạnh hơn điều kiện khấu trừ, đặt trách nhiệm lớn hơn cho doanh nghiệp trong kiểm soát thanh toán, đồng thời nâng cao yêu cầu kiểm soát dòng tiền trong nội bộ doanh nghiệp".

Sàn thương mại điện tử khấu trừ và nộp thuế thay

Đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, từ ngày 1.7.2025, việc khấu trừ và nộp thuế thay cho hộ, cá nhân kinh doanh sẽ được thực hiện theo quy định tại Nghị định 117/2025/NĐ-CP và Luật số 56/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế năm 2019.

Theo ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc chương trình ngành Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, quy định mới sẽ tạo ra sự bình đẳng giữa hoạt động kinh doanh truyền thống và trực tuyến, đồng thời nâng cao mức độ tuân thủ thuế trong khu vực kinh tế số.

Đồng bộ thông tin qua định danh cá nhân và tài khoản điện tử

Từ ngày 1.7.2025, số định danh cá nhân trên căn cước công dân sẽ chính thức được sử dụng thay cho mã số thuế đối với tất cả cá nhân cư trú tại Việt Nam, bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, người làm công ăn lương, người phụ thuộc…

Ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế (Bộ Tài chính) - nhấn mạnh: “Một người chỉ có một mã số thuế duy nhất, đó chính là số định danh cá nhân. Việc áp dụng số định danh thay cho mã số thuế không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, mà còn là bước đột phá giúp ngành Thuế kết nối hiệu quả với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Theo ông Sơn, người nộp thuế sẽ không cần ghi nhớ nhiều mã số khác nhau như trước. Thay vào đó, chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân trong toàn bộ quá trình kê khai, tra cứu và thực hiện nghĩa vụ thuế. Cách làm này giúp giảm sai sót, đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu thuế, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số.

Liên quan đến dữ liệu mã số thuế hiện hành, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Trưởng Ban Nghiệp vụ, Cục Thuế - cho biết: hiện ngành thuế đang quản lý khoảng 81 triệu mã số thuế cá nhân, trong đó có khoảng 65 triệu mã đã được xác thực và chuẩn hóa với dữ liệu căn cước công dân. Số còn lại, chủ yếu là mã số của người phụ thuộc, chưa thể xác thực do thông tin không trùng khớp.

https://laodong.vn/kinh-doanh/chinh-sach-moi-tang-minh-bach-va-thuc-day-chuyen-doi-so-trong-quan-ly-thue-1533952.ldo

Lục Giang (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: